Không để tái diễn đào đường cuối năm
Dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao cũng là lúc phải chỉnh trang đường phố, tạo diện mạo khang trang để đón Tết; vì thế điệp khúc đào đường cuối năm thường gây phản cảm.
Nếu có sự chuẩn bị tốt, giảm tông đúng cách, điệp khúc này sẽ được người dân nhìn nhận và ủng hộ sâu rộng hơn.
Công bằng mà nói, việc duy tu sửa chữa đường sá, thi công hạ tầng ngầm tại Hà Nội được làm quanh năm. Nhưng dịp giáp Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng vọt việc bóc dỡ, sửa chữa, thi công gây không ít phản cảm và bị chú ý nhiều hơn. Nhưng Hà Nội là một đô thị lớn, là ngôi nhà chung của hàng triệu người.
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, TP cũng rất cần được chỉnh trang, đường sá êm thuận, tươi đẹp hơn. Việc tu sửa hè đường, hạ ngầm dây cáp, nâng cấp tuyến ống… cũng đều vì lợi ích thực tế của người dân. Vấn đề chỉ là cách thực thi của các đơn vị quản lý, thi công công trình chưa thực sự phù hợp. Điệp khúc đào đường cuối năm có thể được làm giảm tông, bớt gây phiền hà cho người dân nếu các đơn vị chủ động, có kế hoạch phân bổ hợp lý các hạng mục tu sửa.
Việc duy tu, sửa chữa đường sá vẫn được tiến hành theo định kỳ, hoặc khi có sự cố, hư hỏng đột xuất. Để tránh tình trạng dồn nhiều vào giáp Tết, các đơn vị cần điều chỉnh chu kỳ duy tu, sửa chữa. Nếu bắt buộc phải làm, thì làm cuốn chiếu, rốt ráo từng khu vực, đúng tiến độ. Sở GTVT Hà Nội cần đặt ra một mốc thời gian cụ thể để tạm ngừng thi công với những hạng mục nhỏ, yêu cầu hoàn trả mặt đường trước Tết. Các đơn vị chậm trễ, dù với bất kỳ lý do gì cũng phải dừng và trả lại hè đường bảo đảm lưu thông cho người dân, sau Tết sẽ tiếp tục được thi công. Với những công trình lớn, kéo dài qua nhiều năm, yêu cầu này rất khó khăn; nhưng tối thiểu đơn vị thi công không sẽ không được mở rộng thêm công trường trong thời gian giáp Tết.
Điều quan trọng nhất là Sở GTVT Hà Nội phải làm tốt vai trò quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đầu mối bảo đảm đi lại cho người dân. Những hạng mục không quá cấp bách của các ngành như: xây dựng, điện, nước… phải được xem xét kỹ trước khi cấp phép.
Nếu tính toán thời gian thi công có thể kéo dài đến giáp Tết thì kiên quyết không cấp phép. Hà Nội không thể đón Tết trong bộ dạng nhếch nhác; khi nhu cầu đi lại tăng cao, người dân không thể bảo đảm lưu thông trên những con đường lồi lõm, sụt lún. Thế nhưng nhiều năm qua, điệp khúc đào đường cuối năm đã gây bức xúc cho bộ phận không nhỏ người dân, đến mức mục tiêu của những công trình thi công trên hè phố là gì cũng chẳng mấy ai quan tâm. Thực tế đây là việc cần làm vì diện mạo đô thị và lợi ích chung của cả TP.
Đã đến lúc cơ quan quản lý giao thông phải có những điều chỉnh kịp thời, quyết tâm giảm bớt tình trạng lô cốt, hầm hào gây cản trở đi lại dịp giáp Tết. Mặt khác phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết dừng thi công, yêu cầu trả lại hè đường với những công trình chậm trễ.