Kiểm điểm 190 cá nhân, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng
Sau 3 năm thực hiện Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), tỉnh Lâm Đồng đã kiểm điểm 190 cá nhân cùng tập thể lãnh đạo UBND tỉnh này.
Lâm Đồng: Tháo gỡ khó khăn một số dự án để phát triển kinh tế - xã hội?
Khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận
Khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp
Liên quan tới "siêu dự án" Đại Ninh khiến nhiều lãnh đạo cấp cao tại tỉnh Lâm Đồng bị bắt, ngày 6/12/2023, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy tiến độ triển khai thực hiện Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP (KLTT 929), ngày 12/6/2020 của TTCP.
Theo đó, sau khi rà soát, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chi tiết hoá thành 20 nhóm kiến nghị để xử lý. Tính đến tháng 11/2023, đã thực hiện dứt điểm 15/20 kiến nghị, còn lại 6/20 kiến nghị đang tiếp tục thực hiện.
Sau 13 năm thực hiện, dự án Sài Gòn Đại Ninh từng được coi là trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng vẫn là một khu vực hoang vu. Khối lượng thực hiện đến nay chưa đạt được 10% với một số đường giao thông, công trình nhỏ lẻ. Ảnh: NLĐ
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan tới trách nhiệm quản lý, điều hành; chỉ đạo Giám đốc, Thủ trưởng Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố… kiểm điểm theo thẩm quyền đối với cá nhân liên quan.
Lâm Đồng đã kiểm điểm tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và 190 cá nhân có liên quan do để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm. Kết quả, đối với tập thể, lãnh đạo UBND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đối với các cá nhân, có 16 trường hợp phải xử lý kỷ luật, trong đó có 4 trường hợp phải xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, bao gồm: ông Bùi Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; ông Nguyễn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Sô - Phó Giám đốc Sở TN&MT; ông Nguyễn Xuân Thành - nguyên Giám đốc Ban quản lý khu du lịch (BQLKDL) hồ Tuyền Lâm; ông Phạm Văn Dân - Giám đốc BQLKDL hồ Tuyền Lâm.
Ngoài ra, 11 trường hợp thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương (3 trường hợp phải xử lý kỷ luật cảnh cáo, 8 trường hợp khiển trách), còn lại 174 trường hợp rút kinh nghiệm.
Đối với kiến nghị chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra 386 tỷ đồng, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến hết tháng 11/2023, còn 273 tỷ đồng chưa khắc phục xong.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng đã báo cáo rõ về công tác chấm dứt hoạt động, thu hồi của 3 dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, dự án xây dựng Khu Dịch vụ Du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp (King Palace) do Cty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại đường Trần Quang Diệu, phường 10, TP Đà Lạt, UBND tỉnh đã thu hồi đất, rừng đã cho doanh nghiệp thuê và giao UBND TP Đà Lạt quản lý.
Đối với dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Sài Gòn Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng do CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư, Thanh tra tỉnh cho biết, thực hiện kết luận số 1033/KL-TTCP ngày 30/6/2021 về việc sửa đổi một số nội dung KLTT 929, UBND tỉnh đã thống nhất cho doanh nghiệp trên gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.
Và dự án vườn ươm do Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, TP Đà Lạt với diện tích 79.995m2, UBND tỉnh đã thu hồi toàn bộ đất đã giao.
Ngày 12/6/2020, tỉnh Lâm Đồng xôn xao vì KLTT 929 của TTCP chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dự án Sài Gòn Đại Ninh của Công ty Sài Gòn Đại Ninh với nhiều sai phạm nghiêm trọng. TTCP kết luận, tại dự án Sài Gòn Đại Ninh có các vi phạm như chậm tiến độ dự án; không tuân thủ nghĩa vụ tài chính; để xảy ra mất 257 ha rừng và để lấn chiếm 111 ha đất rừng; vi phạm trật tư xây dựng khi xây hội trường 560 m2 và 15 nhà chuyên gia không có giấy phép… mà cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để. Tuy nhiên, sau khi có KLTT 929, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án. TTCP đã lập tổ công tác để thẩm tra theo kiến nghị của doanh nghiệp. Đến ngày 8/7/2021, Phó tổng TTCP thời điểm đó là ông Trần Văn Minh (đã mất) ký Thông báo kết luận số 1081/TB-TTCP sửa đổi một số nội dung KLTT 929. Trong đó, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án Sài Gòn Đại Ninh. Đồng thời, bổ sung yêu cầu: UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, yêu cầu hoàn thành dự án đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã phê duyệt. Và từ thời điểm này, “siêu dự án” Đại Ninh chính thức thoát "án tử", được tiếp tục thực hiện. Sau đó, dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ. Tuy nhiên, đến nay dự án trải rộng trên 4 xã của huyện Đức Trọng, được xem là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, vẫn giậm chân tại chỗ. Sau 13 năm, dự án chỉ thực hiện được khoảng 10%, để xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, công trình xây dựng xuống cấp. Đồng thời, cú thoát "án tử" ngoạn mục của dự án đã đánh đổi bằng việc nhiều quan chức vướng vòng pháp luật. Hiện vụ án liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra. |