Kinh doanh trên hè phố, lòng đường tại TP Hồ Chí Minh phải trả phí

(Tieudung.vn) - TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch thu phí đối với tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Người dân thắc mắc việc thu phí lòng đường, hè phố dựa vào đâu, những tuyến

Kinh doanh trên hè phố, lòng đường tại TP Hồ Chí Minh phải trả phí

Kinh doanh trên hè phố, lòng đường tại TP Hồ Chí Minh phải trả phí
TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch thu phí đối với tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Người dân thắc mắc việc thu phí lòng đường, hè phố dựa vào đâu, những tuyến đường nào bị thu phí, giá thu như thế nào…?

Theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 (Nghị quyết 15) của HĐND TP Hồ Chí Minh về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP, thì toàn TP được chia thành 5 khu vực.

Mỗi khu vực được quy định mức thu phí cho các hoạt động và mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe (tính theo đồng/m2/tháng). Mức thu phí cho 2 loại hình hoạt động này lại được phân loại theo các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại.

Mức thu phí của 5 khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tân Tiến.

Mức thu phí của 5 khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tân Tiến

Các tuyến đường trung tâm là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn giá đất bình quân khu vực. Các tuyến đường còn lại là các tuyến đường có giá đất thấp hơn giá đất bình quân khu vực.

Theo đó, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận; khu A khu đô thị mới Nam TP; khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu vực 2 gồm các quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức), trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm; quận 6, 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam TP), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình và Bình Tân.

Khu vực 3 gồm các quận 8, 9 (nay thuộc TP Thủ Đức), quận 12, Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức), Tân Phú và Gò vấp.

Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi. Khu vực 5 chỉ mỗi huyện Cần Giờ.

Còn theo danh sách do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh rà soát, thống kê, trong 5 khu vực của TP có tổng cộng 868 tuyến được quy định đường trung tâm. Ở khu vực 1 có 207 tuyến đường. Trong đó, quận 1 có 96 đường, quận 3 có 31 đường, quận 5 có 21 đường, quận 10 có 10 đường và quận Phú Nhuận có 1 tuyến là trọn đường Nguyễn Văn Trỗi. Số còn lại nằm ở quận 7 với 48 tuyến đường.

Khu vực II có 277 tuyến đường. Trong đó, TP Thủ Đức có 12 đường, quận 6 có 37 đường, quận 11 có 63 đường, quận Tân Bình 94 đường, quận Bình Thạnh 68 đường, quận Bình Tân 1 đường Kinh Dương Vương (từ Mũi Tàu đến cầu An Lạc); quận 7 có 2 đường.  

Khu vực III có 248 tuyến đường. Trong đó, quận 8 có 64 đường, TP Thủ Đức 7 đường, quận 12 có 1 đường, quận Tân Phú 137 đường, quận Gò Vấp 39 đường.

Khu vực IV có 125 tuyến đường. Trong đó, huyện Bình Chánh ngoài 96 đường còn thêm hàng chục con đường nằm trong các khu dân cư Conic, khu dân cư Tân Bình; huyện Hóc Môn 5 đường; huyện Nhà Bè 24 đường.

Khu vực V tại huyện Cần Giờ với 11 tuyến đường.

Đường Bình Tây (phường 1, quận 6) thường xuyên ngập nước 2 lần/tháng, nhưng vẫn có mức thu phí 18.600 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến.

Đường Bình Tây (phường 1, quận 6) thường xuyên ngập nước 2 lần/tháng, nhưng vẫn có mức thu phí 18.600 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến

Về mức thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố thực hiện theo công thức (mức phí x diện tích sử dụng x thời gian sử dụng). Mức phí này do Sở GTVT và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ban hành dựa trên Nghị quyết 15. Đối với cách tính, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng; nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính một tháng.

Về trình tự, cách thức cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do Sở GTVT và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện xem xét cấp phép và thu phí theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền quản lý.

Đường Bãi Sậy từ Ngô Nhân Tịnh (giáp quận 5 và 6) đến đường Bình Tiên (quận 6), có mức thu phí mỗi tháng 18.800 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến.

Đường Bãi Sậy từ Ngô Nhân Tịnh (giáp quận 5 và 6) đến đường Bình Tiên (quận 6), có mức thu phí mỗi tháng 18.800 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến

Phạm vi hè phố để tổ chức kinh doanh dịch vụ; mua, bán hàng hóa phải được giới hạn (bằng gạch màu hoặc vạch sơn phản quang màu vàng, hàng rào) để phân định với các hoạt động khác và được bố trí xen giữa bồn gốc cây xanh, mảng xanh hiện hữu trên hè phố.

Đường Phạm Văn Chí đoạn từ Bình Tây đến Bình Tiên giá 23.200 đồng/m2/tháng; từ Bình Tiên đến Lý Chiêu Hoàng giá 14.300 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến.  

Đường Phạm Văn Chí đoạn từ Bình Tây đến Bình Tiên giá 23.200 đồng/m2/tháng; từ Bình Tiên đến Lý Chiêu Hoàng giá 14.300 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến

Điều kiện sử dụng, hè phố phải có bề rộng từ 3m trở lên; tổ chức, cá nhân sử dụng hè phố có trách nhiệm thực hiện theo đúng giải pháp tổ chức thực hiện tại vị trí thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành. Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm đụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở (cho từng đoạn, tuyến); hạn chế tối đa thực hiện tại một số vị trí khu vực ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo, y tế, trường học.

Đường Gia Phú từ Ngô Nhân Tịnh (giáp quận 5 và 6) đến Phạm Phú Thứ (phường 3, quận 6) mức thu trung bình 18.000 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến.

Đường Gia Phú từ Ngô Nhân Tịnh (giáp quận 5 và 6) đến Phạm Phú Thứ (phường 3, quận 6) mức thu trung bình 18.000 đồng/m2/tháng. Ảnh: Tân Tiến

Đối với hoạt động để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông giữ xe, UBND cấp huyện chủ trì thực hiện ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức để xe hai bánh. Việc để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tạm thời chỉ thực hiện trên các tuyến đường thuộc danh mục được UBND cấp huyện ban hành. UBND cấp huyện căn cứ hiện trạng sử dụng, đặc thù, tính chất của từng tuyến đường, đoạn đường của khu vực để quy định thời giạn sử dụng, và để được sử dụng thì hè phố phải có bề rộng từ 3m trở lên.

Việc tổ chức đám ma và giữ xe phục vụ đám ma trên lòng đường, hè phố tại TP Hồ Chí Minh không phải xin phép và không đóng phí. Ảnh: Tân Tiến.

Việc tổ chức đám ma và giữ xe phục vụ đám ma trên lòng đường, hè phố tại TP Hồ Chí Minh không phải xin phép và không đóng phí. Ảnh: Tân Tiến

Đối với nguồn thu, toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách Nhà nước và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Từ tháng 12/2023 đến quý 1/2024, Sở GTVT, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng đề án, phương án khai thác đối với các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

Đám cưới, đám ma không phải nộp phí hè phố

Ngoài những trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải nộp phí, Sở GTVT cũng quy định những trường hợp không phải xin phép và không nộp phí.

Theo đó, đối với hè phố, gồm: tổ chức đám cưới, đám ma và giữ xe phục vụ đám cưới, đám ma; điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe; bố trí đường dành cho xe đạp (do Sở GTVT quyết định).

Đối với hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không phải xin phép nhưng phải đóng phí, gồm: điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa (phải trong danh mục và được UBND cấp huyện chấp thuận); điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông.

Các hoạt động khi tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố phải được cấp phép và phải nộp phí sử dụng, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội). Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình. Điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Đối với việc tạm thời sử dụng lòng đường phải xin phép và nộp phí sử dụng tạm thời, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa. Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị. Điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.