Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?

(Tieudung.vn) - Dù không cung cấp được các biên bản cắm mốc ranh lòng hồ, hành lang bảo vệ hồ thủy lợi Pró, và chưa ban hành quyết định thu hồi đất hay bất cứ thông báo bồi thường. Đặc biệt, từ 2017 đến nay UBND

Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?

Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?
Dù không cung cấp được các biên bản cắm mốc ranh lòng hồ, hành lang bảo vệ hồ thủy lợi Pró, và chưa ban hành quyết định thu hồi đất hay bất cứ thông báo bồi thường. Đặc biệt, từ 2017 đến nay UBND xã, huyện không lập bất cứ biên bản vi phạm hành chính (VPHC) nào xác định dân lấn chiếm đất lòng hồ hay hành lang bảo vệ hồ, nhưng chính quyền địa phương đã san ủi hoa màu của dân.

Dân bị quy sai phạm...doanh nghiệp được khai thác cát!

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Kinh tế và Đô thị, nhiều hộ dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp ở xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng trình bày hàng loạt bức xúc, mâu thuẫn trong cách hành xử của chính quyền địa phương khi san ủi hoa màu, ra quyết định hành chính (QĐHC) cưỡng chế tháo dỡ tài sản của dân.

Đơn của chị Lưu Thị Thùy Trang (SN 1992), trình bày: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/8/2022, ông Châu Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Pró, huyện Đơn Dương dẫn theo hơn 20 người tự ý xông vào đất đang canh tác (trồng rau màu, hoa, cỏ) của tôi tại thôn Pró Ngó, xã Pró. Sau đó, đoàn người ngang nhiên hủy hoại tài sản gồm dụng cụ trồng rau màu, hoa, cỏ và hủy luôn số hoa màu đang trồng trên đất mà tôi đã sử dụng, canh tác ổn định hơn 3 năm nay, không có tranh chấp.

Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?

Căn nhà của ông Nguyễn Thanh Xuyên nằm tít trên đồi, có từ gần chục năm trước nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn bị yêu cầu... tháo dỡ! 

“Trước khi hủy hoại tài sản của tôi, các ngành chức năng từ xã Pró đến huyện Đơn Dương không lập bất cứ biên bản VPHC nào với tôi theo đúng quy định pháp luật. Không có quyết định cấm tôi trồng rau màu, hoa, cỏ, thậm chí tôi không nhận được bất cứ quyết định xử phạt hay thông báo cưỡng chế nào của UBND xã Pró cũng như của ngành chức năng tại huyện Đơn Dương. Nhưng đoàn người do Chủ tịch UBND xã đưa vào đã ngang nhiên hủy hoại rau màu, hoa, cỏ của tôi có giá trị trên 10 triệu đồng, đây là hành vi cố ý hủy hoại tài sản của người dân”, chị Trang trình bày trong đơn.

Trường hợp ông Nguyễn Thanh Xuyên (SN 1969) mua đất trồng rau màu tại thôn Pró Ngó, xã Pró của ông Nguyễn Phú Khánh và bà Nguyễn Trung Phượng Anh từ năm 2014. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, ông Xuyên được cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 28/4/2022.

“Năm 2014 tôi mua thửa đất này, trên đất đã trồng cây nông nghiệp, đã có căn nhà tạm cấp 4 dùng để chứa phân bón, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và để tránh mưa bão, sấm sét vì vùng này thường xuyên bị sét đánh. Sau khi mua tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng căn nhà, tiếp tục sử dụng với mục đích nêu trên để sản xuất nông nghiệp”, ông Xuyên cho biết.

Cũng theo ông Xuyên, gia đình ông bỗng nhiên nhận được quyết định số 15 ghi ngày 26/8/2022 buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tiếp đó, lại nhận được quyết định cưỡng chế số 16 ghi ngày 7/10/2022, theo đó UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ căn nhà cấp 4 nêu trên của ông.

Tương tự là trường hợp ông Thái Văn Bính (SN 1980, ngụ thôn Đông Hồ, xã Pró), bỗng nhiên nhận được quyết định số 14 ghi ngày 24/8/2022 buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tiếp đó, lại nhận được quyết định cưỡng chế số 15 ghi ngày 7/10/2022.

“Cả 2 QĐHC cho rằng tôi có hành vi VPHC: Xây dựng công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Nhưng Chủ tịch UBND xã Pró không cung cấp được chứng cứ chứng minh tôi là người xây dựng công trình này, cũng không cung cấp được các biên bản cắm mốc ranh lòng hồ và hành lang bảo vệ hồ thủy lợi Pró để xác định tôi có vi phạm đất lòng hồ hay hành lang bảo vệ hồ Pró. Tôi cũng chưa từng bị lập biên bản VPHC đối với hành vi lấn chiếm lòng hồ hay hành lang bảo vệ hồ Pró. Đến nay, các thửa đất của người dân xung quanh hồ Pró gồm cả thửa đất của tôi, thì các cấp có thẩm quyền chưa ban hành bất cứ quyết định nào thu hồi đất, cũng chưa ban hành bất cứ thông báo bồi thường nào cho người dân bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi đất để phục vụ cho công trình hồ Pró hay hành lang bảo vệ hồ Pró”, ông Bính nói.

Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?

Ông Bính lợp tấm nhựa để che mưa khi phơi quần áo sau căn nhà có từ hơn chục năm trước, nhưng vẫn bị yêu cầu tháo dỡ

Ông Bính khẳng định, khi vợ chồng ông nhận chuyển nhượng thửa đất nêu trên, đã có căn nhà tạm cấp 4 dùng để chứa phân bón, nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và để tránh mưa bão, sấm sét khi trời mưa bão, đã được tạo lập từ năm 2008 và ông Bính không xây dựng căn nhà tạm này.

Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?

Nhà dân không lấn chiếm đất hồ thủy lợi Pró lại bị lập biên bản vi phạm. Thế nhưng Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi khai thác cát trong lòng hồ thủy lợi Pró làm nước đục khiến củ năng của người dân trồng bị chết, đồng thời có dấu hiệu lấp một diện tích lòng hồ nhưng không bị xử lý.

“Trong khi chúng tôi sinh sống, sản xuất nông nghiệp xung quanh hồ Pró đã ổn định nhiều năm qua, không tranh chấp với ai thì bị chính quyền ra quyết định xử phạt và cưỡng chế. Thế nhưng, ngay trong lòng hồ thủy lợi Pró, có Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi khai thác cát, dựng văn phòng, đổ đất lấn chiếm lòng hồ, lấn chiếm đất rừng để làm bãi tập kết cát khai thác, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tưới tiêu của người dân xung quanh hồ và các hộ dân ở hạ nguồn khiến rau màu hư hỏng, làm cho của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương lại không xem xét, xử lý hành vi này của Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu. Việc ra các quyết định cưỡng chế đối với người nông dân, trong khi để mặc cho Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi khai thác cát trong lòng hồ gây ô nhiễm môi trường, như vậy có hợp tình hợp lý, có đúng pháp luật hay không”, các hộ dân thắc mắc.

Lãnh đạo xã luôn đau đáu với cuộc sống của người dân

Trao đổi với phóng viên về những nội dung người dân phản ánh, ông Châu Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Pró, bộc bạch: “Quan điểm xuyên suốt của tôi là làm sao giúp cho người dân trong xã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, đời sống ngày càng nâng lên, xóa được đói nghèo. Vì người dân phát triển được kinh tế, sẽ đóng góp vào sự phát triển của xã. Bản thân tôi cũng rất xót xa, từ trong thâm tâm tôi hoàn toàn không muốn thực hiện việc xử phạt, cưỡng chế. Tuy nhiên, do có liên quan đến hồ thủy lợi Pró nên UBND tỉnh đã chỉ đạo giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND huyện thực hiện xử phạt, cưỡng chế nên xã làm theo chỉ đạo”.

Ông Châu Văn Kỳ cũng cho biết, đã kiến nghị với UBND huyện xem xét, giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý, giúp người dân có điều kiện ổn định đời sống và sản xuất. Bởi lẽ người dân đã quá khổ sau khi trải qua 2 đợt dịch Covid-19, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã là củ năng nhưng không bán được. Do đó làm cái gì cũng phải vì Nhân dân là điều quan trọng nhất, trong khi hiện nay UBND huyện cũng đang khuyến khích người dân làm nhà lưới, nhà kính, phát triển kinh tế hộ gia đình, cá nhân.

Lâm Đồng: Vì sao người dân làm nông quanh hồ Pró kêu cứu?

Rau của dân trồng thì bị cưỡng chế, phá hủy, nhưng Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi khai thác cát gây ô nhiễm nguồn nước hồ thủy lợi Pró nhưng không bị xử lý!

Về việc Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi khai thác cát trong hồ thủy lợi Pró, cũng theo ông Kỳ không thuộc thẩm quyền xử lý của xã. Việc này do UBND tỉnh cấp phép, giao cho Sở NN&PTNT cùng với UBND huyện giám sát, kiểm tra quá trình Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi thực hiện nạo vét, khai thác cát tại hồ Pró. Trong quá trình khai thác cát, có làm đục nước hồ, có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhưng để xác định thiệt hại phải có kết luận của cơ quan có chức năng, nên UBND xã và người dân đã kiến nghị vấn đề này. UBND tỉnh đã cử đoàn xác minh giao cho Sở NN&PTNT cùng UBND huyện xem xét, tham mưu, đề xuất hướng xử lý, có cả công an tỉnh tham gia. Sau đó đã yêu cầu Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi tạm dừng khai thác, yêu cầu họ phải xây trạm cân để xác định khối lượng khai thác, sau khi họ xây trạm cân đã được cấp phép khai thác lại. Công ty cũng hứa làm hệ thống thanh lọc cho nước hồ Pró bớt bị đục. Ngoài ra, Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi có sử dụng xe vận chuyển cát, có làm hư đường, công ty cũng cam kết khắc phục, và UBND huyện cho biết sẽ tổ chức cắm các biển báo quy định tải trọng xe chở cát khai thác trong lòng hồ khi lưu thông trên đường liên xã của huyện. (còn tiếp)