Loay hoay cập nhật tính năng sinh trắc học
Từ ngày 1/7, người dùng phải xác thực bằng khuôn mặt khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc chuyển số tiền hơn 20 triệu đồng/ngày. Đến nay, nhiều người dùng vẫn gặp khó khi cập nhật thông tin sinh trắc học online để xác thực giao dịch chuyển tiền.
Mạo danh ngân hàng Vietcombank hỗ trợ cập nhật sinh trắc học để lừa đảo
Hướng dẫn quét căn cước công dân để xác thực sinh trắc học
Từ ngày 15/2/2024, áp dụng xác thực sinh trắc học trong kiểm soát giấy tờ hành khách đi máy bay
Muôn kiểu khó khăn
Theo hướng dẫn của các ngân hàng, người dùng có thể xác thực thông tin bằng điện thoại qua 3 bước: chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; quét chip trên CCCD bằng NFC điện thoại; quét khuôn mặt và xác thực. Dù các công đoạn có hướng dẫn từng bước cụ thể, một số người vẫn loay hoay khi quét chip CCCD qua NFC điện thoại hay khi quét khuôn mặt, khiến xác thực sinh trắc học không thể thành công.
Nhiều người gặp khó ở bước đọc thông tin chip qua NFC
Anh Nguyễn Thế Hoà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dù đã thao tác các bước đúng theo hướng dẫn, đọc thông tin trên CCCD gắn chip cũng đã thành công, nhưng hệ thống vẫn thông báo việc xác thực không đúng và yêu cầu phải ra quầy để làm.
Thậm chí, có khách hàng miệt mài chụp ảnh hai mặt CCCD gắn chip, rồi cập nhật lên app mobile banking, nhưng hệ thống báo điện thoại không có tính năng hỗ trợ đọc NFC. Tức là những khách hàng này nếu muốn chuyển tiền online trên 10 triệu đồng sẽ phải nhanh chóng lên đời điện thoại thông minh hơn…
Trong khi đó, chị Ngọc Trâm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ hôm qua đến sáng nay (3/7) tôi đã thử mọi cách cập nhất dữ liệu nhưng không thành công. Tài khoản tôi mở ở ViBBank, dù đang dòng điện thoại là Iphone 15 promax, các bước chụp ảnh 2 mặt CCCD gắn chip, quét mã QR đều nhanh chóng nhưng tới bước đọc thông tin chip qua NFC (kết nối không dây) thì không thành công.
Tương tự, chị Vũ Hoa (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội), dù smartphone có kết nối NFC "ngon lành" nhưng chị cho biết sẽ phải ra ngân hàng bởi ứng dụng ngân hàng không chấp nhận hình ảnh chân dung chị cung cấp.
“Dù chụp đến 4-5 tấm ảnh chân dung với đủ các góc độ nhưng sau nhiều lần chị vẫn chỉ nhận được thông báo: "Dữ liệu khuôn mặt không trùng khớp. Quý khách vui lòng thực hiện lại hoặc tới quầy giao dịch gần nhất để được hỗ trợ"- chị Hoa nói.
"Hiện tại, với giao dịch chuyển khoản nhỏ như thanh toán tiền ăn uống, mình vẫn thực hiện được bình thường. Nhưng với những giao dịch lớn hơn, mình phải nhờ người thân chuyển giúp" - chị Hoa nói.
Cẩn trọng bị lừa
Theo nhiều ngân hàng, trên mỗi dòng điện thoại sẽ có vị trí đọc NFC khác nhau nên người dùng có thể thử một số vị trí ở mặt lưng điện thoại. "Tìm kiếm vị trí đọc NFC, đặc biệt là điện thoại có hệ điều hành Android. Các dòng điện thoại này đa dạng và phong phú, nên tùy vào từng hãng điện thoại sẽ có vị trí đọc NFC khác nhau" - Giám đốc Khối Ngân hàng số Sacombank Trần Thái Bình cho biết, ở bước này, người dùng cần áp sát CCCD trên thiết bị.
“Đối với những khách hàng điện thoại không có tính năng đọc NFC trên CCCD gắn chip, giải pháp hiện tại của chúng tôi là mời khách hàng ra quầy BIDV, cán bộ sẽ dùng Smartsales trên thiết bị cán bộ (là 1 ứng dụng nội bộ cho cán bộ của BIDV) để thu thập dữ liệu sinh trắc học giúp họ”- đại diện BIDV cho biết.
Nhiều ngân hàng thông báo, sau mốc ngày 1/7, những khách hàng nào chưa kịp cập nhật dữ liệu sinh trắc học, cần tiếp tục đến quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ, do khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ có chính chủ mới thực hiện được, vì thế không thể hỗ trợ từ xa. Bên cạnh đó cũng để tránh tình trạng bị lừa đảo hướng dẫn cài đặt sinh trắc học để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Agribank, Vietcombank, Sacombank, ACB… đều thông báo, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng để "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Các ngân hàng khuyến cáo, nhằm hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng mở tài khoản thanh toán. Không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Đồng thời, các ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ… qua điện thoại hoặc đường link. Trường hợp khách gặp khó khăn trong quá trình thu thập sinh trắc học có thể liên hệ tổng đài hoặc đến trực tiếp điểm giao dịch của ngân hàng nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Bên cạnh các ngân hàng thương mại, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý những khó khăn và vướng mắc mà người dân gặp phải.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ giao dịch trên 10 triệu đồng trong 3 ngày gần đây dao động quanh 6-8%. Theo cơ quan quản lý, việc bắt buộc cập nhật sinh trắc học nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn. Mục đích của các quy định này là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản.