Ngày 1/1/2023 áp dụng cabin điện tử trong đào tạo, sát hạch lái xe là chưa phù hợp

(Tieudung.vn) - Các trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp dụng cabin điện tử để đào tạo lái xe từ ngày 1/1/2023 là gấp gáp và không kịp, nên cần lùi thời hạn trên và cần

Ngày 1/1/2023 áp dụng cabin điện tử trong đào tạo, sát hạch lái xe là chưa phù hợp

Ngày 1/1/2023 áp dụng cabin điện tử trong đào tạo, sát hạch lái xe là chưa phù hợp
Các trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp dụng cabin điện tử để đào tạo lái xe từ ngày 1/1/2023 là gấp gáp và không kịp, nên cần lùi thời hạn trên và cần làm rõ một số vấn đề liên quan một cách thỏa đáng.

Ngày 1/1/2023 áp dụng cabin điện tử trong đào tạo, sát hạch lái xe là chưa phù hợp

Ngày 1/1/2022 áp dụng cabin điện tử trong đào tạo, sát hạch lái xe là chưa phù hợp

Liên quan đến việc Bộ GTVT không lùi lộ trình đào tạo học lái xe trên cabin điện tử theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ngày 4/11, ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch cấp giấy phép lái xe Hoàng Gia (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, với quy định từ ngày 1/1/2023, các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe trên cả nước sẽ phải trang bị thiết bị cabin điện tử phục vụ học lái xe ô tô, tôi cho rằng sẽ không kịp và kiến nghị Bộ GTVT lùi thời gian áp dụng trên.

Theo lý giải của ông Nguyễn Hoàng Long, trước hết cần làm rõ năng lực của đơn vị cung cấp thiết bị cabin điện tử cho các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe; chưa kể bảng giá thiết bị cũng cần được làm rõ và được xây dựng trên khung giá đúng với quy định. Mặt khác, với việc Bộ GTVT quyết định lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái xe ô tô sẽ khiến các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe khác phản ứng, bởi cần thử nghiệm thiết bị ở các trung tâm một cách công khai để từ đó lựa chọn được mẫu chung để áp dụng, tránh độc quyền một đơn vị dễ dẫn đến tiêu cực.

Phương án khác nữa là Bộ GTVT có thể công khai xét năng lực của các đơn vị, cơ sở đào tạo để từ đó chọn ra một số đơn vị, cơ sở có năng lực, uy tín thực sự để tiến hành thử nghiệm thiết bị, sau đó mới đưa ra mẫu chung để áp dụng. “Nên chăng, Bộ GTVT cho các đơn vị nhà nước thử nghiệm, đánh giá 2, 3 khoá học… rút , xem được yếu tố tích cực, hạn chế… Sau đó, đánh giá hiệu quả thực sự rồi mới áp dụng đại trà đến các đơn vị, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe”, ông Nguyễn Hoàng Long góp ý.

Cùng băn khoăn của các trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tại TP Hồ Chí Minh, theo như phương án của Bộ GTVT đưa ra thì một đơn vị cung cấp thiết bị cabin liệu có phù hợp, có đủ cung cấp cho các cơ sở đào tạo toàn quốc trước ngày 1/1/2023. Do đó, nên có nhiều đơn vị cung cấp để các cơ sở đào tạo được lựa chọn đầu tư cho phù hợp với với nhu cầu tài chính, thẩm mỹ, địa lý…, cũng như các vấn đề chắc chắn sẽ phát sinh sau này như chế độ bảo hành, đổi, trả, thay thế linh kiện….

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay, hiện nay, Sở chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Bộ GTVT về việc quyết định áp dụng cabin điện tử để đào tạo lái xe từ ngày 1/1/2023, các thông tin trên chỉ biết thông qua báo chí. Bên cạnh đó, về đơn vị sản xuất thiết bị cabin điện tử thì hiện nay Bộ GTVT vẫn chưa công bố bất cứ một đơn vị nào đạt giấy chứng nhận hợp quy để sản xuất thiết bị.

Ông Bùi Hòa An cũng trao đổi thêm, trong trường hợp đơn vị sản xuất thiết bị đạt giấy chứng nhận hợp quy thì năng lực sản xuất và cung cấp thiết bị của đơn vị đó cũng cần làm rõ, không biết đơn vị đó có sản xuất đáp ứng đủ số lượng trong thời gian ngắn không. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh có hơn 70 cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, mỗi trung tâm cũng phải sắm ít nhất 4 - 5 cabin phục vụ đào tạo.

Mặt khác, chuyện kinh phí để sắm thiết bị này cũng đang là vấn đề nan giải cho các trung tâm đào tạo vì mỗi thiết bị cabin cũng ngót nghét 400 - 500 triệu đồng trở lên. “Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là áp dụng nhưng đến giờ Sở vẫn chưa nắm các thông tin chính thức từ Bộ GTVT, trước đó Sở cũng đã kiến nghị xin lùi thời gian áp dụng này những cũng chưa nhận được phản hồi từ Bộ GTVT”, ông Bùi Hòa An nêu rõ.

Mới đây, ngày 3/11, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho biết, Bộ GTVT đã quyết định giữ nguyên lộ trình đào tạo lái xe bằng cabin điện tử được quy định tại Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT. “Bộ GTVT đã có quyết định lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái xe ô tô, các nhà sản xuất thiết bị sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1/1/2023”, ông Thống cho biết.

Doanh nghiệp sản xuất cabin điện tử đưa sản phẩm đến đơn vị Bộ GTVT chỉ định để thử nghiệm để được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn. Sau đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ công bố doanh nghiệp có sản phẩm cabin điện tử hợp quy trên trang web. Cơ sở đào tạo căn cứ vào công bố này để trang bị cabin điện tử.

“Tuy thời gian không còn nhiều nhưng Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đôn đốc đẩy nhanh quá trình chứng nhận sản phẩm hợp quy và yêu cầu các cơ sở đào tạo nhanh chóng mua sắm thiết bị, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình”, ông Thống nói.

Trước đó, do chưa có đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái ôtô, chưa có sản phẩm được chứng nhận phù hợp quy chuẩn đã được ban hành, Cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép lùi thời gian đào tạo học viên trên thiết bị này sau ngày 1/1/2023. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị lùi thời hạn do cần có thời gian kiểm định thiết bị và các trung tâm đào tạo đang gặp khó khăn nguồn tài chính.