Nghi vấn “đội giá” thiết bị tại một số gói thầu lớn ở Sở GD&ĐT Cà Mau?
Nhiều thiết bị tại một số gói thầu lớn hàng chục tỷ đồng do Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Cà Mau làm chủ đầu tư có dấu hiệu đội giá cao hơn thị trường, khiến dư luận đặt dấu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư công tại cơ quan này.
Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao - Bài 4: Nỗi đau và bài học xương máu!
Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao - Bài 2: Chỉ định thầu rút gọn là “con dao hai lưỡi”?
Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Nghi vấn "đội giá" thiết bị ở gói thầu hơn 50 tỷ đồng
Theo tài liệu của PV, ngày 7/6/2022 ông Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau ký quyết định số 312/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 17: Thiết bị lớp 2. Đây là gói thầu thực hiện rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu do ông Nguyễn Thanh Luận - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau làm chủ đầu tư
Giá trúng gói thầu số 17
Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Á Châu - Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Thanh Hoa với giá trúng thầu 50.536.538.000 đồng (giá gói thầu là 51.980.000.000 đồng).
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, nhiều thiết bị trong gói thầu trên có giá cao hơn khá nhiều so với sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật được bán trên thị trường.
Đàn phím điện tử CT-X5000 trên thị trường có giá bán thấp hơn khá nhiều so với giá duyệt mua của Sở GD&ĐT Cà Mau
Đơn cử như đàn phím điện tử CT-X5000, xuất xứ Trung Quốc được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 13.800.000 đồng/cái. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường cho thấy, sản phẩm có xuất xứ, thông số kỹ thuật tương đương chỉ có giá bán dưới 10 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển), tức thấp hơn đến gần 4 triệu đồng/cái so với giá mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau.
Một so sánh khác, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) duyệt mua đàn phím điện tử CT-X5000, xuất xứ Trung Quốc trong một gói thầu khác với giá chỉ 12 triệu đồng/cái. Mức giá này thấp hơn tới 1,8 triệu đồng/cái so với giá duyệt mua của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) mua Đàn phím điện tử CT-X5000 với giá thấp hơn so với giá duyệt mua của Sở GD&ĐT Cà Mau
Như vậy, với số lượng 226 chiếc đàn cần mua ở gói thầu này, mức chênh lệch do mua thiết bị giá cao hơn thị trường và đơn vị công lập khác của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau lên tới hàng trăm triệu đồng.
Với số lượng 452 chiếc nhiệt kế cần mua ở gói thầu này thì số tiền chênh lệch do mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường của Sở GD&ĐT Cà Mau vào khoảng gần 300 triệu đồng.
Chưa dừng lại, Loa cầm tay ER-1215, xuất xứ Indonesia được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 1,8 triệu đồng/cái. Tuy nhiên theo khảo sát, sản phẩm có thông số kỹ thuật, xuất xứ trùng khít có giá thấp hơn đáng kể, cụ thể là chỉ khoảng 1,4 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển).
Nghi vấn "đội giá" nhiều thiết bị ở gói thầu hơn 10 tỷ đồng
Nghi vấn đội giá thiết bị cũng xảy ra ở gói thầu có giá trị lớn khác do Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 7/4/2022 ông Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau ký quyết định số 220/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 11: Mua sắm trang thiết bị phòng học ngoại ngữ cấp Tiểu học.
Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần truyền thông Số 1 (địa chỉ số 135 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 10.815.300.000 đồng (giá gói thầu là 10.980.000.000 đồng). Như vậy sau đấu thầu, tiết kiệm được khoảng 165 triệu đồng cho ngân sách nhà nước.
Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu do ông Nguyễn Thanh Luận - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau làm chủ đầu tư
Theo khảo sát, một số thiết bị trong gói thầu trên có dấu hiệu bị “đội giá” cao hơn khá nhiều so với sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật bán trên thị trường. Có thể kể ra, tai nghe dành cho giáo viên và học viên H111/ Hãng: Logitech, xuất xứ Trung Quốc được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 1.477.500 đồng/cái.
Tuy nhiên sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ như trên, bên ngoài thị trường có giá bán thấp hơn. Cụ thể là chưa đến 300 nghìn đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển).
Tương tự Webcam HD C270/ Hãng: Logitech, xuất xứ Trung Quốc được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau duyệt mua với giá 2.483.750 đồng/cái. Giá trên thị trường, sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật có giá bán chỉ bằng 1/4 mức giá trên, tức chưa đến 500 nghìn đồng/cái (đã bao gốm VAT, phí vận chuyển).
Như vậy với số lượng 333 tai nghe và 333 chiếc Webcam cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị với giá cao hơn thị trường của Sở GD&ĐT Cà Mau lên tới cả tỷ đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.
Với việc nhiều thiết bị trong hai gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng do Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư có dấu hiệu “đội giá” so với sản phẩm bán trên thị trường, dư luận đặt nghi vấn về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư công tại cơ quan này.
Có dấu hiệu cài tiêu chí hàng mẫu trong hồ sơ mời thầu?
Trong hồ sơ mời thầu của gói thầu số 17: Thiết bị lớp 2, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đưa ra yêu cầu nhà thầu khi dự thầu phải cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng của nhà sản xuất dù hàng hóa cung cấp phần lớn đều là hàng hóa thông thường, sẵn có trên thị trường.
Tương tự, gói thầu số 11: Mua sắm trang thiết bị phòng học ngoại ngữ cấp Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu nhà thầu khi dự thầu phải cung cấp hàng mẫu 01 bộ máy vi tính học viên, 01 bộ máy vi tính giáo viên.
Cụ thể Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Từ quy định trên, việc yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hàng mẫu đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường khi áp dụng đấu thầu qua mạng có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa quy định rõ: “Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”.
Trao đổi với PV về các gói thầu nêu trên, Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Điều 35 Luật Đấu thầu quy định về cơ sở xác định giá gói thầu. Trong đó phải đảm bảo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”. Trường hợp giá mua sắm được duyệt cao hơn thị trường dẫn đến tổng mức gói thầu bị đội lên với con số chênh lệch hàng trăm triệu đồng thì cần thiết phải xem xét lại hồ sơ xây dựng giá gói thầu, nhất là cơ sở để xác định giá. Ngoài ra, một vấn đề khác cần làm rõ là “cơ sở nào để đưa các tiêu chí về cung cấp hàng mẫu và giấy phép bán hàng vào hồ sơ mời thầu?” đối với những loại hàng hóa thông thường, thông dụng có sẵn trên thị trường, và có hay không việc áp đặt các tiêu chí này để nhằm mục đích “cài thầu”? Điều này, có lẽ cần phải tổ chức thanh tra và kiểm tra toàn bộ quá trình từ xây dựng giá gói thầu đến thẩm định giá, thương thảo và lựa chọn nhà thầu … thì mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục được. |