Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao - Bài 1: Giá nhập khẩu 2,5 USD/test…trúng thầu 178.000 đồng/test
Khi sai phạm liên quan đến kit Việt Á đang dần tới hồi cuối, những mảng tối đã được Cơ quan CSĐT lật mở, đưa ra ánh sáng công lý thì điều dư luận quan tâm nhất lúc này chính là với các loại kit test xét nghiệm Covid-19 khác có xảy ra tình trạng móc ngoặc tương tự để "thổi giá" hay không, khi mà giá nhập khẩu và giá trúng thầu chỉ định tại nhiều địa phương chênh lệch nhau rất lớn?
Kiên Giang: Giám đốc Sở Y tế và thuộc cấp bị kỷ luật cảnh cáo
Bình Thuận mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á hơn 130 tỷ đồng
Bắc Kạn: Phát hiện 5.250 kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc
“Loạn” giá chỉ định thầu
Vụ án sai phạm tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), là một vụ án hình sự điển hình về "tham nhũng có hệ thống". Có thể coi đây là vụ án lịch sử khi cùng lúc có rất nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá thành của kit test khoảng 45%. Với chiêu chi “hoa hồng” khủng và sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ, kit test Việt Á được “dọn đường” đến các cơ sở y tế trên 62 tỉnh/thành với giá bán cao ngất ngưởng, 470.000 đồng/kit xét nghiệm. Sai phạm nghiêm trọng này không chỉ làm thất thoát ngân sách Nhà nước, mà còn gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kit Việt Á có phải là “quả bom” duy nhất phát nổ hay không? Theo ghi nhận, tại thời điểm đỉnh dịch năm 2021, cũng với hình thức chỉ định thầu rút gọn, giá đấu thầu kit ở nhiều địa phương mỗi nơi một giá, thậm chí cao bất thường.
Với test nhanh kháng nguyên, điển hình là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Quyết định số 289/QĐ-KSBT, ngày 22/9/2021, về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu cho Công ty Cổ phần Armephaco trúng thầu cung cấp 1,5 triệu test StandardTM Q Covid-19 Ag Test do Hàn Quốc sản xuất. Đơn giá sau thuế là 135.000 đồng/test, tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng.
Giá chỉ định thầu ở các địa phương mỗi nơi một kiểu, cao bất thường - Ảnh minh hoạ: MXH
Trước đó 2 tháng, ngày 22/7/2021, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phê duyệt Công ty Cổ phần Armephaco trúng thầu cung cấp cùng loại test và nước sản xuất là Hàn Quốc, nhưng mức giá lên đến 175.000 đồng/test.
Một trường hợp khác, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng) chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Lục tỉnh trúng thầu cung cấp 10.000 test nhanh kháng nguyên do hãng Abbott/Hàn Quốc sản xuất (tháng 9/2021) đơn giá 162.750 đồng/test, tổng giá trị hơn 1,627 tỷ đồng.
Cũng là sản phẩm của hãng Abbott /Hàn Quốc sản xuất, nhưng ngày 20/9/2021, Bệnh viện Đà Nẵng (thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng) mua 36.000 test Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device chỉ với giá 126.000 đồng/test, tổng giá trị là 4,536 tỷ đồng.
Đồng giá 126.000 đồng/test, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Lục tỉnh còn trúng thầu cung cấp 12.000 test Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device/Hàn Quốc, thuộc gói thầu hơn 1,5 tỷ đồng của CDC tỉnh Quảng Trị (ngày 10/9/2021); Gói thầu số 24, ngày 15/9/2021 tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) với số lượng 30.000 test, tổng giá trị 3,780 tỷ đồng; Và gói thầu trị giá 1,260 tỷ đồng (10.000 test) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (thuộc Sở Y tế Lạng Sơn), ngày 20/9/2021.
Vẫn là test Panbio Covid-19 Ag Rapid test/Hàn Quốc, nhưng tại Đồng Nai, ngày 13/7/2021, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú đã ban hành Quyết định số 129 mua 10.000 test, mức giá lên đến 178.500 đồng/test.
Tiếp tục, cùng ngày 13/7/2021, Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú ban hành thêm Quyết định số 128 phê duyệt mua chỉ 5.000 test Trueline Covid-19 Ag Rapid test với mức giá 135.000 đồng/test. Được biết, đơn giá 135.000 đồng/test cũng là giá mà CDC Long An mua 11.000 test tại Quyết định số 43/QĐ-KSBT ngày 28/5/2021. Và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa thuộc Sở Y tế Long An quyết định mua 7.000 test vào ngày 28/6/2021.
Thế nhưng, bất ngờ là 2 ngày sau (tức ngày 30/6/2021), Công ty Cổ phần Bệnh viện Mỹ Hạnh tại Long An đã ký hợp đồng mua cũng sản phẩm Trueline Covid-19 Ag Rapid test chỉ với giá 108.000 đồng/test.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25/7/2021, Viện Y dược học dân tộc thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh mua 10.000 test Trueline Covid-19 Ag Rapid test với mức giá của mỗi test chỉ còn 99.750 đồng.
Tương tự, đối với bộ test PCR, ngày 24/9/2021, CDC tỉnh Vĩnh Long có Quyết định số 1405/QĐ-KSBT cho Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh trúng thầu cung cấp 110 hộp (96 test/hộp) Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc với đơn giá 26.880.336 đồng/hộp (tính bình quân hơn 280.000 đồng/test). Tổng giá trị gói thầu hơn 2,95 tỷ đồng.
Vẫn là gói thầu cung cấp kít Realtime PCR phát hiện SAR-CoV-2, ngày 6/9/2021, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uống Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã phê duyệt Quyết định số 4641/QĐ-BVVNTĐ cho Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh trúng thầu hơn 2,810 tỷ đồng để cung cấp 10.000 bộ test Certest Biotec S.L do Tây Ban Nha sản xuất (bình quân 281.000 đồng/test).
Trước đó, ngày 15/9/2020, Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh cũng trúng gói chỉ định thầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với tổng trị giá 1,953 tỷ đồng. Gói thầu là Bộ hóa chất xét nghiệm Realtime - PCR Covid-19 (gồm 60 hộp). Mỗi hộp gồm 96 test do SD Biosensor, nước sản xuất: Hàn Quốc. Đơn giá dự kiến lúc đó là 32.550.000 đồng/hộp đã gồm thuế VAT (bình quân 339.062 đồng/test).
Rõ ràng, cùng một loại kit test, nhưng nhiều địa phương lại chỉ định thầu với nhiều mức giá “nhảy múa” khác nhau, thậm chí cao bất thường (?!).
Bộ Y tế duyệt kê khai giá bán của sản phẩm Standard Q Covid-19 Ag Test của hãng SD Biosensor Inc Hàn Quốc sản xuất với giá 178.080 đồng/test, cao gấp 3 lần giá nhập khẩu - Ảnh: Tiểu Thúy
Bộ Y tế giúp doanh nghiệp trúng thầu giá cao?
Để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 9/2021, Bộ Y tế đã lần lượt ban hành ban hành 9 văn bản về việc cập nhật và thông báo danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành; cấp giấy phép nhập khẩu và giá bán công bố... để các CDC, Sở Y tế, bệnh viện, trung tâm y tế địa phương tham chiếu trong việc thực hiện các gói chỉ định thầu.
Cụ thể, ngày 6/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành văn bản Số: 3740/BYT-TB-CT về việc thông báo nhanh danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu kèm theo thông tin về đơn vị sản xuất, nhập khẩu để các Sở Y tế và các bệnh viện, viện nghiên cứu chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu phải chủ động, có kế hoạch ổn định, phát triển sản xuất và cung ứng, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp sau đó, Bộ Y tế đã ban hành thêm 8 văn bản cập nhật giá bán của hàng chục sản phẩm, chủng loại sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Cụ thể, gồm: Văn bản Số: 4384/BYT-TB-CT, ngày 28/5/2021 (cập nhật lần 2); Số: 5288/BYT-TB-CT ngày 02/7/2021 (cập nhật lần 3); Số: 5583/BYT-TB-CT, ngày 13/7/2021 (cập nhật lần 4); Số: 5787/BYT-TB-CT, ngày 20/7/2021 (cập nhật lần 5); Số: 6080/BYT-TB-CT, ngày 28/7/2021 (cập nhật lần 6); Số: 69/BYT-TB-CT, ngày 21/9/2021 (cập nhật lần 7); Số: 7829/BYT-TB-CT, ngày 20/9/2021 (cập nhật lần 8); và Văn bản Số: 7878/BYT-TB-CT, ngày 21/9/2021 (cập nhật lần 9).
Tuy nhiên, trong tất cả các văn bản nêu trên, Bộ Y tế dù cập nhật đến 9 lần giá bán thế nhưng, lại không hề có bất kì văn bản nào đề cập công khai đến giá nhập khẩu để làm căn cứ so sánh. Từ đó tạo ra “lỗ hổng” lớn về giá, khiến việc tham chiếu chỉ định thầu rút gọn ở các địa phương không chỉ chênh lệch nhau, mà còn cao hơn rất nhiều lần so với giá nhập khẩu.
Bộ test nhanh kháng nguyên Standard Q Covid-19 Ag Test, hãng sản xuất SD Biosensor/Hàn Quốc, giá nhập khẩu mà Tập đoàn VinGroup công bố chỉ khoảng 60.000 đồng, trong khi đó giá trong nước 178.080 đồng, gây khó hiểu - Ảnh minh hoạ: MXH
Theo ghi nhận, đối với bộ test PCR do Hàn Quốc sản xuất chỉ có giá nhập khẩu ở mức 4,25 USD/test, và cộng các loại chi phí vào giá vào thì giá khoảng 4,46 USD/test, khoảng 102.500 đồng. Tương tự, với các bộ test nhanh Covid-19 do Hà Quốc sản xuất cũng có giá nhập khẩu chỉ dao động từ 2-2,5 USD/test, quy đổi khoảng 46.000-57.500 đồng/test. Song, kỳ lạ, là Bộ Y tế lại công khai chấp thuận giá bán ở mức cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu.
Cụ thể, trong Văn bản Số: 5288/BYT-TB-CT ngày 02/7/2021 (cập nhật lần 3) Bộ Y tế chấp thuận giá bán sản phẩm test PCR có tên thương mại STANDAR D™ M nCoV Real- Time Detection Kit do hãng SD Biosensor Inc., Hàn Quốc sản xuất, Công ty Cổ phần y tế Đức Minh nhập khẩu với mức giá 28.901.376 đồng/ hộp 96 test, tương đương đơn giá 301.056 đồng/test.
Hay test nhanh kháng nguyên Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device (Nasopharyngeal) do hãng Abbott Diagnostics Korea Inc., Hàn Quốc sản xuất, Công ty TNHH Thương Mại - Dịch Vụ Kỹ Thuật Lục Tinh nhập khẩu với giá 170.000 đồng/test (chưa tính thuế GTGT 5%).
Hay sản phẩm test nhanh kháng nguyên Standard Q Covid-19 Ag Test, do hãng SD Biosensor Inc/Hàn Quốc sản xuất, Công ty Cổ phần y tế Đức Minh nhập khẩu với mức giá 4.950.000 đồng/ hộp 25 test, tương đương đơn giá 198.000 đồng/test; …
Sự chênh lệch không hề nhỏ giữa giá nhập khẩu và giá mà Bộ Y tế chấp thuận bán cho thấy, ngay từ thời gian đầu bùng dịch đã có dấu hiệu “buông lỏng” kiểm soát giá chỉ định thầu các gói thầu test nhanh kháng nguyên Covid-19 hay sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, từ đó dẫn đến tình trạng “loạn” giá test. Thực tế, đã có hàng chục triệu test nhanh và PCR Covid-19 được thực hiện trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 2021, người dân đã phải trả phí xét nghiệm cao một cách phi lý, trong khi một số tổ chức và cá nhân trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của đồng bào. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế?
Sự thật hiển nhiên là giá trúng thầu sẽ luôn luôn cao hơn giá nhập khẩu, tuy nhiên khi sự chênh lệch này quá lớn, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu rằng, có sự mập mờ, khuất tất đằng sau những “gói thầu chỉ định”, Và những bất thường có xuất phát từ chính hình thức chỉ định thầu hay gói thầu rút gọn hay không?
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.