Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao - Bài 2: Chỉ định thầu rút gọn là “con dao hai lưỡi”?
Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin ở bài trước, với hình thức xét duyệt chỉ định thầu trong mua sắm các loại sinh phẩm, vật tư xét nghiệm Covid-19, hàng triệu test đã kịp thời được các địa phương sử dụng trong quá trình phòng chống dịch tại thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tiêu cực rất dễ xảy ra khi áp dụng hình thức này.
Quyết sách kịp thời…
Thời điểm năm 2021, dịch Covid-19 ở Việt Nam bùng phát mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong cả nước. Công tác kịp thời khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm các ca dương tính trong cộng đồng, là một biện pháp hữu hiệu, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, sử dụng test nhanh kháng nguyên và sinh phẩm test PCR SARS-CoV-2 đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trước tình hình căng thẳng nói trên, Thủ tướng Chính Phủ đã cho phép các địa phương sử dụng tiền ngân sách để mua sắm các loại sinh phẩm, vật tư xét nghiệm bằng hình thức xét duyệt chỉ định thầu. Đây được coi là một quyết định đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành. Và quyết định này, đã mang lại nhiều kết quả khả quan cho công tác phòng, chống dịch của cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Song, như chúng tôi đã phân tích ở bài trước, việc thực hiện các gói thầu rút gọn ở một số địa phương hiện rõ nhiều điểm bất thường về giá, mỗi nơi một giá, thậm chí chênh nhau khá lớn. Và câu hỏi đặt ra là: Những bất cập này, có xuất phát từ chính hình thức chỉ định thầu hay không?
Luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty Luật Trung Lê Và Cộng Sự
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty Luật Trung Lê Và Cộng Sự cho biết, với mục đích tạo sự cạnh tranh và minh bạch trong quá trình mua sắm, đầu tư, thì chủ đầu tư thường tổ chức hoạt động mời thầu, để qua đó lựa chọn được nhà thầu, đơn vị cung cấp phù hợp nhất với tiêu chí do mình đặt ra.
Việc tổ chức mời thầu và lựa chọn nhà thầu này, ngoài việc tạo cơ hội cho chủ đầu tư xem xét và chọn được nhà thầu đạt các tiêu chí chất lượng và năng lực, thì sẽ đem lại sự tiết kiệm và hiệu quả kinh tế của gói thầu.
Đặc biệt, đối với chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thì cần đòi hỏi cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện phải khắt khe hơn.
Theo Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, có 8 hình thức để lựa chọn nhà thầu gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, và tham gia thực hiện của cộng đồng.
Tương ứng với mỗi hình thức sẽ có quy trình thủ tục phù hợp và cụ thể nhất định. Trong đó, riêng hình thức chỉ định thầu sẽ có thêm quy trình chỉ định thầu rút gọn để áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt và khẩn cấp.
Cụ thể, Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về quy trình chỉ định thầu rút gọn được áp dụng với các gói thầu quy định tại điểm a Điều 22 Luật đấu thầu; theo đó, “gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” sẽ được áp dụng trong trường hợp này.
Quy trình chỉ định thầu có quy định rõ: trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu từ các bước chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu đến thương thảo và hoàn thiện hợp đồng. Từ đó, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu. Kết quả chỉ định thầu phải được công khai theo quy định.
Theo luật sư Trung, trên nguyên tắc nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp thì việc áp dụng chỉ định thầu với quy trình thủ tục rút gọn là điều cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như thời gian vừa qua, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm Covid-19 là quyết định hoàn toàn chính xác, thể hiện quan điểm, đường lối đúng đắn của các cấp lãnh đạo.
…nhưng cần cơ chế giám sát!
Tuy nhiên, luật sư Lê Ngô Trung nhấn mạnh, dù chủ trương của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời nhưng trong quá trình triển khai, nếu thiếu đi cơ chế kiểm tra, giám sát thì cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến điều kiện để phát sinh tiêu cực.
Ngoài thực trạng “sân trước – sân sau”, câu chuyện “thổi giá” kit test xét nghiệm Covid-19 còn xuất phát từ “lỗ hổng” của hình thức chỉ định thầu - Ảnh minh hoạ: MXH
Chẳng hạn, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp ban đầu chủ đầu tư xác định giá gói thầu cao, sau đó lựa chọn doanh nghiệp có báo giá thấp nhất để chỉ định thầu.
Điều này về hình thức thì không sai, tuy nhiên cần xem xét rằng có hay không việc cố tình lập dự toán với giá gói thầu cao để hợp thức hóa việc chỉ định thầu với giá trúng thầu thấp hơn; đó là chưa kể việc các doanh nghiệp (hoặc các bên) cố tình bắt tay nhau để nâng giá của sản phẩm từ khâu báo giá, từ đó nhà đầu tư sử dụng làm căn cứ để xác định giá gói thầu cao hơn giá thị trường.
Vụ việc ông Nguyễn Nhật Cảm - Nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và các đồng phạm đã thông đồng để nâng khống giá trị hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống covid-19 vào năm 2020 là một ví dụ điển hình.
Cụ thể, năm 2020, CDC Hà Nội đã được Sở Y tế giao hơn 31 tỷ đồng kinh phí bổ sung để mua sắm thiết bị khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trong đó dự toán gói thầu số 15 trị giá 9,54 tỷ đồng gồm: hệ thống máy Realtime PCR tự động (máy xét nghiệm Covid-19) giá 7 tỷ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động giá 1,2 tỷ đồng, hai tủ lạnh âm và một tủ mát giá 1,34 tỷ đồng. CDC Hà Nội làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu thông thường.
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 được nhập về Việt Nam theo khai báo hải quan chỉ có giá 2,3 tỷ đồng. Nhiều đối tượng đã mua bán lòng vòng qua nhiều công ty, "thổi giá" để bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, ông Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, ấn định mức giá gói thầu là 9,54 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường.
Ông Cảm cũng trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với Nguyễn Trần Duy để bị cáo này giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu.
Giám đốc CDC Hà Nội còn chỉ đạo các cán bộ cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu để chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định gây hậu quả thiệt hại ngân sách nhà nước 5,4 tỷ đồng.
Với hành vi nói trên, ông Nguyễn Nhật Cảm đã bị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 10 năm tù. Các bị can khác trong vụ việc cũng bị phạt từ 5 đến 6 năm tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, sau khi sự việc được cơ quan điều tra khởi tố, thì các doanh nghiệp, đơn vị này đã chủ động điều chỉnh giá…
Hay như mới đây, kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về vụ việc Công ty Việt Á "thổi giá" bộ xét nghiệm Covid-19 khi bán cho các CDC và cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố, qua đó thu về gần 4.000 tỷ đồng cho thấy, các bên liên quan đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm của các địa phương trên cả nước để trục lợi.
Cụ thể, bộ xét nghiệm Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên ông Phan Quốc Việt - Giám đốc Công ty Việt Á, đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo một số đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất để trục lợi bất chính.
Rõ ràng, với việc sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện các gói chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị xét nghiệm Covid -19 là điều cần thiết. Nhưng nếu thiếu đi cơ chế giám sát chặt chẽ, một hay nhiều trường hợp như CDC Hà Nội, hay câu chuyện của Việt Á hoàn toàn có thể sẽ lại diễn ra, hoặc đã âm thầm diễn ra.
Tạm khép lại những khuất tất đã xảy ra ở CDC Hà Nội và đại án Việt Á. Liệu rằng, với hàng loạt những bất thường về giá, câu chuyện chỉ định thầu rút gọn test nhanh kháng nguyên và kit test PCR tại nhiều địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Long, Long An…sẽ đi đâu về đâu?
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.