Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao- Bài 3: “Lỗ hổng” lớn từ việc bỏ quên giá nhập khẩu
Công khai giá bán nhưng lại không kiểm soát giá nhập khẩu của hầu hết các loại test nhanh kháng nguyên và sinh phẩm test PCR SARS-CoV-2, Bộ Y tế vô tình tạo ra “lỗ hổng” lớn về giá, khiến quá trình tham chiếu chỉ định thầu rút gọn ở các địa phương cao một cách bất thường?
Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao - Bài 1: Giá nhập khẩu 2,5 USD/test, trúng thầu 178.000 đồng/test
Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao - Bài 2: Chỉ định thầu rút gọn là “con dao hai lưỡi”?
Bộ Y tế thiếu sót?
Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin trước đó, “quả bom” Việt Á phát nổ đã khiến hàng loạt bị can là lãnh đạo vướng vòng lao lý, trong đó có nhiều cán bộ y tế đã bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ," "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ”. Song, câu chuyện chưa dừng lại, khi những gói chỉ định thầu cao bất thường tại nhiều địa phương trên cả nước bị mang ra mổ xẻ, thì một lần nữa dư luận lại đặt câu hỏi về vai trò, và tránh nhiệm của Bộ Y tế trong công tác chống dịch đã diễn ra ở thời điểm năm 2021.
Cụ thể, ngày 24/9/2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Vĩnh Long đã có Quyết định số 1405/QĐ-KSBT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu rút gọn gói thầu mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime - PCR. Nhà thầu chỉ định là Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh, với một mặt hàng, tổng giá trí gói thầu hơn 2,95 tỷ đồng, tên thương mại của sản phẩm là Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc. Số lượng sản phẩm là 110 hộp (96 test/hộp), đơn giá 26.880.336 đồng/hộp (tính bình quân hơn 280.000 đồng/test).
Tuy nhiên, cũng là sản phẩm Standard TM nCoV Real-Time Detection Kit, hồ sơ nhập khẩu của Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh ngày 26/8/2021, chỉ có giá 4,23 USD/test. Theo đó, chi phí để mua sản phẩm (cùng tên và nhà sản xuất) với giá 4,23 USD/test và cộng các loại chi phí vào thì giá khoảng 4,46 USD/test (nhân với giá USD 23.000 VNĐ), khoảng 102.500 đồng/test. Thấp hơn so với giá chỉ định thầu rút gọn của CDC Vĩnh Long lên đến 177.500 đồng/test.
Công khai giá bán, nhưng Bộ Y tế lại quên mất giá nhập khẩu kit test xét nghiệm Covid-19 - Ảnh minh hoạ: MXH
Giải thích về mức giá chênh lệch quá lớn, ông Nguyễn Công Tuấn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, chỉ định thầu với giá 280.000 đồng/test là căn cứ vào chứng thư thẩm định giá số: VL 21/08/596/TS-SVC, ngày 04/8/2021 của Công ty TNHH thẩm định giá Tây Nam; Căn cứ vào bảng giá thấp nhất của 3 Công ty báo giá: Công ty CP Y tế Đức Minh (26.880.336 đồng/hộp), Công ty TNHH sản xuất kinh doanh hóa chất, vật tư KHKT Prolab (33.038.825.000 đồng/hộp), Công ty CP dược phẩm & TBYT Đông Âu (34.200.000 đồng/hộp)... tham chiếu với giá công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế (32.550.336 đồng/hộp). Như vậy, giá chỉ định thầu tại CDC Vĩnh Long đã thấp hơn giá tham chiếu của Bộ Y tế hơn 5,6 triệu đồng/hộp.
Tương tự, ngày 13/7/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (HCDC) có Quyết định số 3117/QĐ-TTKSBT phê duyệt cho Công ty Cổ phần Armephaco trúng chỉ định thầu rút gọn 500.000 test sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test, hãng sản xuất/nước sản xuất SD Biosensor Inc - Hàn Quốc, tổng giá trị 87,5 tỷ đồng, đơn giá 175.000 đồng/test.
Tuy nhiên, giá nhập khẩu của sản phẩm này chỉ dừng lại ở mức 60.000 đồng/test (đơn giá là 2,5 USD/test chưa bao gồm phí ủy thác nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng) và giá bán trong nước là 178.080 đồng/test. Như vậy, với đơn giá 175.000 đồng/test, gói thầu của HCDC cao hơn giá nhập khẩu 115.000 đồng/test, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá tham chiếu của Bộ Y tế 3.080 đồng/test.
Trước đó, ngày 22/9/2021, cùng tên sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test, hãng sản xuất/nước sản xuất SD Biosensor Inc - Hàn Quốc, CDC Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phê duyệt cho Công ty Cổ phần Armephaco trúng thầu cung cấp 1,5 triệu test kháng nguyên SARS –CoV02 (phân nhóm 4). Đơn giá sau thuế (đã bao gồm các khoản phí) của gói thầu là 135.000 đồng/test, tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa, gói thầu của CDC Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thấp hơn giá tham chiếu của Bộ Y tế 43.080 đồng/test, nhưng cao hơn giá nhập khẩu 75.000 đồng/test.
Đến đây, có thể thấy, chỉ cần đặt lên bàn cân giữa giá nhập khẩu - giá bán - giá trúng thầu.. thì “lổ hỗng” về giá hiện ra rất rõ ràng.
Được biệt, Bộ Y tế đã công khai đăng tải lần lượt 9 văn bản cập nhật giá bán của hàng chục sản phẩm, chủng loại sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán In Vitro xét nghiệm Virut SARS-CoV-2. Song, lại không hề có văn bản nào đề cập đến giá nhập khẩu để làm căn cứ so sánh. Sự thiếu xót này có khả năng gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, khi các địa phương cố tình đẩy giá các gói chỉ đình thầu lên cao, miễn sao vẫn đảm bảo thấp hơn giá mà Bộ Y tế kê khai (?).
Văn bản số 5288/BYT-TB-CT, ngày 2/7/2021 do Bộ Y tế ban hành - Ảnh: Tiểu Thúy
Có khuất tất?
Quay lại với gói chỉ định thầu ngày 22/9/2021, CDC Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt cho Công ty Cổ phần Armephaco trúng thầu cung cấp 1,5 triệu test sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test, đơn giá 135.000 đồng/test. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cũng là sản phẩm này, Công ty Cổ phần Armephaco chỉ bán với giá 65.000 đồng/test, nếu mua số lượng 1 triệu test.
Vấn đề đặt ra là CDC Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm hết năng lực, trách nhiệm hay chưa, khi là đơn vị y tế chuyên nghiệp nhưng đàm phán mua 1,5 triệu test giá 135.000 đồng. Trong khi đó, giá trên thị trường 1 triệu test đã rẻ hơn 1/2 lần, chỉ 65.000 đồng/test.
Một trường hợp khác, tại tỉnh Đồng Nai, ngày 13/7/2021, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú đã ban hành 2 Quyết định số 128/QĐ-TTYT và 129/QĐ-TTYT để thực hiện chỉ định thầu mua test nhanh kháng nguyên. Đáng chú ý, 2 Quyết định này, lại chỉ định để mua 2 loại test với 2 mức giá khác nhau.
Cụ thể, Quyết định số 129 về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu mua test xét nghiệm Panbio Covid-19 Ag Rapid test Device với số lượng 10.000 test, mức giá 178.500 đồng/test.
Thế nhưng, với Quyết định số 128 việc thực hiện mua test xét nghiệm Trueline Covid-19 Ag Rapid test với số lượng 5.000 test, chỉ ở mức giá 135.000 đồng/test.
Cần phải làm rõ, tại sao giá test Trueline Covid-19 Ag Rapid rẻ hơn giá test Panbio Covid-19 Ag Rapid Device đến tận 43.000 đồng/test, mà Trung tâm Y tế huyện Tân Phú lại phải chia thành 2 quyết định, và mua cả 2 loại test. Nghịch lý, khi giá 178.500 đồng/test lại được duyệt mua với số lượng 10.000 test, giá 135.000 đồng/test lại chỉ duyệt mua với số lượng 5.000 test.
Báo giá 175.000 đồng/test, nhưng Công ty Cổ phần Armephaco bán sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test với số lượng 1 triệu test, với giá 65.000 đồng/test, ghi nhận thời điểm tháng 10/2021 - Ảnh: Tiểu Thúy
Thử làm một phép tính để thấy, với tổng 15.000 test nói trên, nếu trong trường hợp Trung tâm Y tế huyện Tân Phú duyệt mua toàn bộ là test Trueline Covid-19 Ag Rapid, sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 435 triệu đồng.
Chưa kể, vẫn test Trueline Covid-19 Ag Rapid, nhưng 12 ngày sau quyết định duyệt giá mua của Trung tâm Y tế huyện Tân Phú, Viện Y dược học dân tộc thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (ngày 25/7/2021) cũng đã có Quyết định số 531/QĐ-VYDHDT về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với số lượng 10.000 test Trueline Covid-19 Ag Rapid. Tại gói thầu này, mức giá của mỗi test chỉ là 99.750 đồng.
Như vậy, mức chênh lệch là 35.250 đồng/test. Có nghĩa với 15.000 test, nếu Trung tâm Y tế huyện Tân Phú mua được với mức giá 99.750 đồng/test, thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách sẽ là hơn 528 triệu đồng.
Nếu khách quan cho rằng, vì mua trước nên Trung tâm Y tế huyện Tân Phú không có nhiều mức giá thị trường để tham khảo, dẫn đến bị hớ. Vậy thì, phải hiểu như thế nào cho đúng với trường hợp Công ty Cổ phần Bệnh viện Mỹ Hạnh tại Long An, ngày 30/6/2021, đã ký hợp đồng cũng mua sản phẩm Trueline Covid-19 Ag Rapid test chỉ với giá 108.000 đồng/test. Trong khi đó Trung tâm Y tế huyện Tân Phú mua sau (13 ngày) nhưng giá cao hơn 27.000 đồng/test. Và lần này, tiếp tục với số lượng 15.000 test, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú đã “tăng thêm” mức chi ngân sách 405 triệu đồng nếu so với mức giá trên.
Thực tế tại thời điểm năm 2021, dù giá nhập khẩu kit test rất rẻ, nhưng giá chỉ định thầu cao đã khiến ngân sách bội chi, còn người dân gồng mình trả phí xét nghiệm cao một cách phi lý…
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.