Những người nào được nâng mức hưởng Bảo hiểm Y tế lên 100%?

(Tieudung.vn) - Ngoài 5 nhóm đối tượng được Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh theo Nghị định 146 năm 2018, mới đây, Nghị định 75 của Chính phủ nâng mức hưởng từ 80% lên 100% cho một số nhó

Những người nào được nâng mức hưởng Bảo hiểm Y tế lên 100%?

Những người nào được nâng mức hưởng Bảo hiểm Y tế lên 100%?
Ngoài 5 nhóm đối tượng được Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh theo Nghị định 146 năm 2018, mới đây, Nghị định 75 của Chính phủ nâng mức hưởng từ 80% lên 100% cho một số nhóm khác.

Đây là một trong những điểm mới của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Trong Nghị định 75, Chính phủ quy định nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dân công hỏa tuyến.

Những người nào được nâng mức hưởng Bảo hiểm Y tế lên 100%?

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Nghị định cũng bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861 năm 2021 của Thủ tướng và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Hiện theo quy định có 3 mức hưởng chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến gồm: 80-95% và 100%. Số tiền không được hưởng, người bệnh phải đồng chi trả (tức là 20-5%).

Nghị định số 75 cũng quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở trong trường hợp vượt số dự kiến chi.

Bất cập trong quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đã được nhiều cơ sở y tế phản ánh nhiều năm qua. Thực tế, dù cơ quan BHXH giám định các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi điều kiện, tỷ lệ thanh toán, phạm vi quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT do cơ sở khám chữa bệnh cung cấp và không thu tiền của người bệnh là hợp pháp nhưng do quy định của tổng mức thanh toán nên các chi phí này lại bị xem xét lại, không được thanh toán vì lý do vượt tổng mức.

Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh.

Theo quy định mới, các chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan BHXH giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.

Các quy định này được đánh giá sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH, tạo điều kiện cho cơ sở khám chữa bệnh nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT.