Những trường hợp sẽ bị hủy số định danh cá nhân từ ngày 1/7/2024

(Tieudung.vn) - Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Nổi bật có quy định rõ các trường hợp

Những trường hợp sẽ bị hủy số định danh cá nhân từ ngày 1/7/2024

Những trường hợp sẽ bị hủy số định danh cá nhân từ ngày 1/7/2024
Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Nổi bật có quy định rõ các trường hợp bị hủy, được hủy và cấp lại số định danh cá nhân của người dân.

Trường hợp nào được hủy và cấp lại số định danh cá nhân theo luật Căn cước?

Dự thảo nghị định của Bộ Công an thi hành Luật Căn cước có quy định cụ thể về việc xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân của người dân. Theo đó, mỗi công dân Việt Nam khi được thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xác lập 1 số định danh cá nhân duy nhất, không trùng lặp với người khác.

Những trường hợp sẽ bị hủy số định danh cá nhân từ ngày 1/7/2024

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

+ Trường hợp người đã được xác lập số định danh cá nhân mà bị tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Người đã được xác lập số định danh cá nhân mà bị tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì bị hủy số định danh cá nhân. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi văn bản thông báo đến cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an quyết định hủy số định danh cá nhân của người bị tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

+ Trường hợp được hủy và xác lập lại số định danh cá nhân

Những công dân được xác định lại hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật; có sai sót về thông tin nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an quyết định việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với các trường hợp được hủy và xác lập lại số định danh cá nhân.

Sau khi có quyết định hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân thì cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho công dân về việc xác lập lại số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác.

Thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước như thế nào?

Dự thảo nghị định quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước. Cụ thể, người dân sẽ đến cơ quan quản lý căn cước đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước, cung cấp thông tin số định danh cá nhân để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp người dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nếu thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp căn cước. Hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của người dân về cơ quan công an nơi người dân đề nghị.

Trường hợp thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người dân mang theo giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý để cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với giấy chứng nhận căn cước, dự thảo quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan công an quản lý căn cước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước nơi mình sinh sống để đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước.