Say rượu chạy xe tốc độ cao...tử vong, khiến người khác vạ lây!
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, đại diện Viện KSND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thừa nhận bị cáo hoàn toàn đúng khi lái xe ô tô. Tuy nhiên tai nạn xảy ra trên phần đường ngược lại nên… bị cáo có tội!
Lâm Đồng: Nhiều sai phạm tố tụng vụ án đánh bạc qua tin nhắn điện thoại
Tiếp vụ “Nhiều bất thường dự án lò đốt rác tại Lâm Đồng”: Chính quyền huyện Lạc Dương nói gì?
Tiếp vụ "Nhiều bất thường dự án lò đốt rác ở Lâm Đồng": Chính quyền huyện Lạc Dương có "tiền trảm hậu tấu"?
Nồng độ cồn trong máu nạn nhân là 213.9mg/100ml máu
Theo lịch ngày mai 22/7, TAND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, quy định tại khoản 1 điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với bị cáo Phạm Nguyễn Bá Thành (SN 1983, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng).
Cáo trạng của Viện KSND huyện Đức Trọng, thể hiện: Vào khoảng 19 giờ 25 phút tối 6/10/2021, anh Thành lái xe ô tô biển số 49A – 374.86 lưu thông trên Quốc lộ 20 theo hướng Di Linh – Đà Lạt. Khi đến ngã ba giao nhau với đường Trần Nhân Tông (km201 + 500) thuộc thị trấn Liên Nghĩa, anh Thành rẽ trái để vào đường Trần Nhân Tông thì xảy ra va chạm với xe máy biển số 49E1 – 588.44 do anh Lê Anh Đức (SN 1987, ngụ huyện Đức Trọng) điều khiển chạy trên Quốc lộ 20 theo hướng ngược lại là Đà Lạt – Di Linh.
Hiện trường vụ tai nạn mà nạn nhân là người đã uống quá nhiều rượu.
Sau đó xe máy do Đức điều khiển văng vào xe ô tô biển số 49A – 153.17 do anh Nguyễn Văn Chín (SN 1986, ngụ huyện Đức Trọng) điều khiển lưu thông từ đường Trần Nhân Tông ra Quốc lộ 20, Hậu quả anh Lê Anh Đức tử vong vì chấn thương sọ não.
Cáo trạng cho rằng kết quả khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân do anh Thành điều khiển xe ô tô thiếu chú ý quan sát khi chuyển hướng từ Quốc lộ 20 vào đường Trần Nhân Tông không đảm bảo an toàn dẫn đến gây tai nạn.
Cáo trạng cũng xác định bị hại cũng có lỗi. Vì tại biên bản giám định ngày 7/10/2021 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng xác định kết quả nồng độ cồn trong máu thu được của nạn nhân Lê Anh Đức khi khám nghiệm tử thi là 213.9mg/100ml máu.
Thừa nhận bị cáo đúng, nhưng vẫn buộc tội!
Theo clip được ghi lại bằng camera hành trình trên xe ô tô của anh Thành thể hiện khi chuẩn bị rẽ trái từ Quốc lộ 20 vào đường Trần Nhân Tôn, anh Thành bật đèn xi nhan rẽ trái và giảm tốc độ gần như dừng hẳn theo đúng quy định. Khi thấy an toàn, anh Thành mới rẽ thì lúc này Lê Anh Đức từ hướng ngược lại điều khiển xe máy lưu thông với tốc độ cao, lao thẳng vào đầu xe ô tô của anh Thành.
Chưa kể, trong hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào xác định bị hại Lê Anh Đức có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển. Bên cạnh đó, người liên quan là người chú của bị hại là ông Long đã giao xe cho bị hại sử dụng là có dấu hiệu vi phạm điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Tại phiên tòa ngày 28/6, luật sư bào chữa cho bị cáo Thành đã yêu cầu đưa các đoạn clip vào hồ sơ vụ án vì lý do nơi xảy ra tai nạn là nơi đặt trụ sở Công an thị trấn Liên Nghĩa. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa thừa nhận có trích xuất camera, nhưng không đưa vô hồ sơ vụ án vì thấy rằng các clip phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo. Dù vậy, vị kiểm sát viên này cũng thừa nhận bị cáo Phạm Nguyễn Bá Thành hoàn toàn đúng.
Còn luật sư bào chữa cho bị cáo, cho rằng Viện Kiểm sát không thể áp đặt ý chí lên Tòa án, mà phải thu thập chứng cứ cả buộc tội lẫn gỡ tội nhằm đảm bảo tính khách quan chứ không thể chỉ thu thập chứng cứ buộc tội. Vì điều này vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội mà pháp luật hình sự quy định. Hơn nữa việc đánh giá chứng cứ là thuộc thẩm quyền của HĐXX chứ không phải của đại diện Viện KSND.
Nghiêm cấm điều khiển xe khi đã uống rượu, bia
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Giám đốc Hãng luật Hiệp Định (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), phân tích: Tại khoản 8, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) số 23/2008/QH12 năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu số 35/2018/QH14, về các hành vi bị nghiêm cấm: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100ml máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Và tại Điều 15 Luật GTĐB năm 2008, còn quy định “Chuyển hướng xe”, như sau: Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ngày 29/82019 “Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùngtham gia GTĐB”, khoản 8 điều 5 về “Các trường hợp phải giảm tốc độ”, quy định người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau: Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; Khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước.
“Như vậy, có thể khẳng định trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân Lê Anh Đức vì đã uống bia rượu có nồng cồn trong máu lên tới 213.9mg/100ml máu; Điều khiển xe với tốc độ cao; Hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào xác định nạn nhân có giấy phép lái xe phù hợp hay không”, luật sư Huỳnh Phước Hiệp, nêu rõ.
Người chạy xe mô tô, xe gắn máy đã uống rượu bia bị phạt ra sao? Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tại điều 6 về “Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ” có nhiều khoản mà người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt khi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, tại điểm c khoản 6, điểm đ khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở. Điểm c khoản 7, điểm e khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4mg/1 lít khí thở. Tại điểm e khoản 8, điểm g khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở; Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Còn theo cổng thông tin điện tử của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, người nào có từ 200mg - 400mg/100ml máu, sẽ bị ức chế hô hấp, mất các phản xạ bảo vệ đường thở, giảm thân nhiệt, tiểu tiện hay đại tiện không tự chủ, tụt huyết áp, hôn mê. Có nghĩa khi nồng độ cồn trong máu đạt trên 200mg/100ml máu thì người này đã quá say rượu, bia. |