Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 được thi lại theo chương trình cũ
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024.
Thí sinh cần lưu ý gì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024?
Sức hút và triển vọng của các ngành học mới
Năm 2024, nhiều trường đại học đồng loạt tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Theo đó, Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nếu học theo chương trình cũ, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 bài thi gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi lựa chọn (thí sinh chọn 1 trong 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên)).
Còn năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 môn thi, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán và Văn. Ngoài ra, thí sinh chọn thêm hai môn thi ở 9 môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Nội dung đề cũng sẽ theo định hướng đánh giá năng lực, bám sát mục tiêu của chương trình mới.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Nguyên tắc “bất di bất dịch” của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình phổ thông 2006, Bộ sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình phổ thông 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình phổ thông 2006.
Theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT, số lượng trượt cũng rất ít, do đó không đáng ngại việc tốn kém kinh phí. Mà kể cả kinh phí tốn kém cũng phải phục vụ cho các em, đảm bảo quyền lợi chính đáng”.