Tiếp vụ "Nhiều bất thường dự án lò đốt rác ở Lâm Đồng": Chính quyền huyện Lạc Dương có "tiền trảm hậu tấu"?
Dù chỉ đang trong quá trình “lấy ý kiến nhân dân”, nhưng tại khu đất chỉ mới được chấp thuận chủ trương để xây dựng dự án lò đốt rác (xã Đạ Sar, Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thì rừng thông đã bị chặt phá, đường dân sinh bị rào chắn, làm trạm điện và con đường bê tông 3,5km…gây bức xúc, hoang mang và khó hiểu cho người dân địa phương.
Lâm Đồng: Nhiều bất thường khi xây lò đốt rác tại xã Đạ Sar, Lạc Dương?
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 7: Ô nhiễm trầm trọng đổ lên đầu người dân, ‘lợi ích nhóm’ thật sự tồn tại?
Bất ổn Bãi rác Đa Phước - Bài 6: Nhiều điều khoản 'kỳ lạ' trong hợp đồng xử lý rác
Như Tieudung.vn đã thông trước đó, trong đơn phản ánh gửi đến Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh, gần 20 hộ dân tại thôn 6 (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đồng loạt “kêu cứu” vì lo sợ dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt - lò đốt rác được xây dựng tại tiểu khu 143 thuộc địa phương này, khi đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân, cũng như những bất hợp lý trong quá trình thu gom rác….
Đơn tố cáo của nhóm hộ dân tại thôn 6 (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: Hà Nam
Dự án chưa được phê duyệt…
Ngay sau những phản ánh của người dân, ngày 6/5, trao đổi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo quy hoạch nông thôn mới, thì mỗi huyện phải có một khu xử lý rác thải. Tuy nhiên, hiện nay, lò đốt rác của UBND huyện Lạc Dương chưa được đơn vị này báo cáo lên UBND tỉnh.
“Chúng tôi sẽ làm việc lại với huyện và coi lại quy hoạch. Nếu không phù hợp thì sẽ chuyển làm dự án ở chỗ khác” - ông S nói.
Văn bản chấp thuận ranh giới, diện tích đất để lập thủ tục xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đạ Sar - Ảnh: Hà Nam
Tương tự, Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương cũng khẳng định, hiện dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt - lò đốt rác dự kiến được xây dựng tại tiểu khu 143 (thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) hiện mới chỉ trong quá trình lấy ý kiến người dân và kêu gọi đầu tư chứ thực tế chưa thực hiện gì cả.
Như vậy, căn cứ trên thông tin phản hồi của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương, có thể hiểu, đến thời điểm hiện tại, dự án lò đốt rác chỉ mới dừng lại ở việc chấp thuận chủ trương (tức là chấp thuận ranh giới và diện tích đất thu hồi để làm dự án). Việc có chính thức triển khai dự án ở tiểu khu 143 hay không là câu chuyện của...tương lai, phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố. Quan điểm này cũng đã thể hiện khá rõ trong lời khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “…Nếu không phù hợp thì sẽ chuyển làm dự án ở chỗ khác”.
Người dân đang phản ánh với PV về những bất thường khi xây lò đốt rác tại xã Đạ Sar
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án bắt buộc phải trải qua đầy đủ các bước đề xuất, chập thuận chủ trương, nghiên cứu khả thi, chấp thuận dự án, triển khai dự án…
Cụ thể, trong trường hợp này với dự án lò đốt rác của huyện Lạc Dương, xét Báo cáo số 749/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng (ngày 21/12/2020), UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 10395/UBND-ĐC, ngày 28/12/2020, về việc chấp thuận ranh giới, diện tích thu hồi để xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Sau khi dự án được chấp thuận về chủ trương, UBND huyện Lạc Dương phải liên hệ, phối hợp với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn lập thủ tục đầu tư và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định. Trong đó, sẽ bao gồm quá trình nghiên cứu tính khả thi của dự án (công nghệ xử lý rác gì, đánh giá tác động môi trường, kinh phí bao nhiêu, xây dựng bãi tập kết rác như thế nào…).
Nếu tính khả thi của dự án được đánh giá cao, thì lúc này dự án chính thức bước vào giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ, trình lên UBND tỉnh Lâm Đồng để được phê duyệt chấp thuận dự án.
Dự án chưa được phê duyệt, nhưng đã tồn tại "Sơ đồ rào cọc" khu đất dự kiến làm lò đốt rác - Ảnh: Người dân cung cấp
Đến thời điểm này, dự án bắt đầu có “hình hài”, các đơn vị liên quan được phép tiến hành thu hồi đất, bồi thường cho dân (nếu có)…sau đó là quy trình giao đất. Lúc này, các doanh nghiệp sẽ tiến hành chào giá để thực hiện dự án. Và các cơ quan chức năng sẽ chọn ra đơn vị có phương án khả thi nhất làm chủ đầu tư dự án.
Đến đây, có thể khẳng định, dự án lò đốt rác ở tiểu khu 143 (thôn 6, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) chỉ mới được phê duyệt chủ trương, theo đúng quy trình, khu đất này hiện vẫn đang là đất công, là rừng thông, thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
…đã ngang nhiên chặt thông rừng, chặn đường dân sinh, làm đường dài 3,5km?
Dù quy trình thực hiện dự án được quy định rất rõ ràng, chi tiết, tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vào ngày 6/5, ngay khu vực bước vào phần đất dự án lò đốt rác là một tấm biển đỏ (chữ vàng) được cắm sẵn với nội dung: “Ban QLDA DTXD và CTCC (UBND huyện Lạc Dương) thông báo: Khu vực xây dựng nhà máy xử lý môi trường huyện Lạc Dương; Nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, phá hoại trong phạm vi dự án; Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án xây dựng và công trình công cộng”.
Biển thông báo màu đỏ ghi rõ chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án xây dựng và công trình công cộng - Ảnh: Hà Nam
Điều này gây khó hiểu, vì như chúng tôi đã phân tích ở trên, hiện nay dự án này mới chỉ dừng lại ở việc được "chấp thuận chủ trương" và "lấy ý kiến người dân". Theo đúng quy định pháp luật, dự án chưa được phê duyệt và cũng chưa thực hiện bàn giao đất. Vậy, tấm biển thông báo do đơn vị nào cắm? Ai là người phê duyệt để Ban quản lý dự án xây dựng và công trình công cộng làm chủ đầu tư? Liệu rằng đây có phải là hành động “tiền trảm hậu tấu” của UBND huyện Lạc Dương hay không?
Theo quan sát, ngoài cắm biển đỏ, bao quanh khu đất hiện đang được rào cọc bê tông, giăng dây kẽm gai kín mít. Bên trong, có nhiều trạm điện hạ thế đã được lắp đặt. Thậm chí, đã làm hoàn thành con đường bê tông dài 3,5km xuyên rừng từ đường nhựa vào đến vị trí dự định xây dựng lò đốt rác này.
Điều này, một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc, ai đã “bạo gan” dám chặt rừng thông thuộc quyền quản lý của Nhà nước? Nguồn kinh phí từ đâu để làm 3,5 km đường, rào cọc bê tông, giăng dây kẽm gai, làm trạm điện hạ thế? Và quan trọng hơn cả chính là vai trò quản lý của chính quyền địa phương đang ở đâu khi tình trạng trên diễn ra công khai như vậy?
Khu đất thuộc dự án lò đốt rác được rào bằng cọc bê tông và giăng dây kẽm gai kín mít - Ảnh: Hà Nam
Ngày 13/5, Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương cho biết, kinh phí làm con đường 3,5km là tiền của Nhà nước: “Nhà nước đã đầu tư con đường, hạ tầng giao thông để đi vào khu vực dự án lò đốt rác. Đồng thời, toàn bộ khu vực dự án đã quy hoạch theo quy hoạch chung của huyện”.
Nếu đúng như vậy thì phải làm rõ, cơ sở nào để lấy tiền Nhà nước làm đường khi dự án lò đốt rác này còn chưa được phê duyệt? Thật khó hiểu...?
Chánh văn phòng UBND huyện Lạc Dương cho hay, con đường bê tông dài 3,5km từ đường nhựa vào đến vị trí xây dựng lò đốt rác được làm bằng tiền ngân sách - Ảnh: Hà Nam
Đến đây, vấn đề đặt ra ở đây là, nếu thực sự dự án lò đốt rác phải chuyển làm ở chỗ khác (như phản hồi của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) thì với phần kinh phí đã dùng để làm đường, làm trạm điện...ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách? Hướng xử lý cụ thể sẽ như thế nào?
Rất nhiều bất thường đã và đang xảy ra tại dự án lò đốt rác của huyện Lạc Dương, song, có lẽ nổi cộm nhất vẫn là tình trạng đốn hạ thông rừng. Theo phản ánh của người dân, từ năm 2017 đến nay, đã nhiều lần xuất hiện một nhóm người vào khu rừng thông chặt hạ hàng loạt cây thông lớn. Sau đó, mang cả xe ben, xe cẩu chuyên dụng cẩu thông đem đi.
Hình ảnh còn lại của cây thông lớn bên trong khu vực dự án lò đốt rác sau khi đã bị đốn hạ - Ảnh: Hà Nam
Liên quan đến nội dung này, chiều ngày 17/5, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Trãi – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cây rừng bị chặt thuộc sự quản lý của địa phương, UBND huyện Lạc Dương có trách nhiệm phải làm rõ.
Vậy cuối cùng, nhóm người chặt thông rừng là ai, việc chặt cây rừng đã được sự cho phép của chính quyền địa phương hay chưa? Đặc biệt, cây thông sau khi được đốn hạ thì mang đi đâu và phục vụ cho mục đích gì? Xin gửi câu hỏi này đến UBND huyện Lạc Dương!
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Xây dựng lò đốt rác ở vùng đồi cao không thuận lợi và tốn kém! Đó là chia sẻ của chuyên gia Ngô Quốc Bảo (Công ty Wesglobal), người có nhiều năm nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải đô thị với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Theo chuyên gia này, nếu xây dựng lò đốt rác ở vùng đồi cao sẽ làm tăng chi phí vận chuyển. Nguyên nhân là vì năng lượng cho việc tải lên luôn luôn nhiều hơn năng lượng cho việc tải ngang hoặc tải xuống. Bên cạnh đó, khi đốt rác mà nếu xử lý không triệt để, lâu ngày sẽ tích luỹ cặn hữu cơ (xỉ rác), sau đó đổ xuống thung lũng gây ô nhiễm. Khác với đồi cao, lò đốt rác ở khu vực đồng bằng dù cũng sản sinh ra xỉ rác nhưng sẽ tập trung một chỗ, xử lý dễ hơn. Ngược lại, ở đồi cao, xỉ rác sẽ phát tán đi theo sườn dốc núi đồi, phân chia nhiều nhánh, và vì không hướng được dòng nên khó xử lý. Chủ trương của chính phủ là đốt rác để phát điện nhưng hầu hết các dự án đốt rác đều gặp khó khăn vì rác thải là rác sinh hoạt đô thị, lẫn lộn giữa rác thải hữu cơ và vô cơ (tức là rác ướt). Và khi rác ướt thì nhiệt lượng sinh ra trước hết phải làm khô rác, sau đó mới bốc cháy được. Dẫn đến, sản lượng nhiệt lượng không đủ bù đắp, không có thặng dư phát điện, kém hiệu quả. Đặc biệt, với rác hữu cơ khi đốt sẽ sinh ra khí metan, một loại khí dễ cháy. Thực tế đã có nhiều vụ cháy lớn tại các nhà máy xử lý rác thải. Sấm sét, tia lửa hoặc điều kiện thuận lợi, khí metan đều có thể gây cháy. Do đó, không nên xây dựng lò đốt rác ở khu vực rừng núi, đồi cao, nơi vốn có nhiều cây rừng. Nhìn chung, khuyết điểm của công nghệ đốt rác là không đủ nhiệt lượng để mà phát điện, phát thải ra sản phẩm thứ cấp gây ô nhiễm môi trường, sinh ra khí độc, bụi than, khí benzen, dioxin…Do đó thiết kế và chiều cao của ống khói phải tuân thủ quy định. Tuy nhiên, hiện nay, đại đa số bãi tập kết của nước ta là bãi trần, tức là để rác trên mặt đất tự nhiên. Chỉ cần có mưa, nước rỉ thải sẽ thấm xuống mạch nước ngầm nguy cơ gây ô nhiễm. |