Tiếp vụ “Nhiều bất thường dự án lò đốt rác tại Lâm Đồng”: Chính quyền huyện Lạc Dương nói gì?
Mặc dù khẳng định dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) hiện vẫn chưa được duyệt chấp thuận đầu tư, song UBND huyện Lạc Dương lại thừa nhận, từ năm 2020 đã bố trí tiền ngân sách làm đường, điện tại dự án này.
Lâm Đồng: Nhiều bất thường khi xây lò đốt rác tại xã Đạ Sar, Lạc Dương?
Tiếp vụ "Nhiều bất thường dự án lò đốt rác ở Lâm Đồng": Chính quyền huyện Lạc Dương có "tiền trảm hậu tấu"?
Liên quan đến bài viết "Nhiều bất thường dự án lò đốt rác ở Lâm Đồng: Chính quyền huyện Lạc Dương có "tiền trảm hậu tấu"? được đăng tải trên Tieudung.vn ngày 22/5, mới đây, UBND huyện Lạc Dương đã có thông tin phản hồi đến báo Kinh tế & Đô Thị.
Người dân đang phản ánh với PV về những bất thường khi xây lò đốt rác tại xã Đạ Sar
Theo đó, ngày 26/5, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương – ông Lê Chí Quang Minh đã ký văn bản Số:1154/UBND-VP về việc xử lý nội dung phản ánh của (Tieudung.vn) xoay quanh dự án lò đốt rác nói trên. Trong đó, có 3 nội dung đáng chú ý như sau:
Nội dung thứ nhất: UBND huyện Lạc Dương cho biết, trong 2 năm 2017, 2018 có xảy ra hành vi phá rừng trái pháp luật tại vị trí thuộc dự án lò đốt rác.
“Căn cứ hồ sơ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng cho thấy, tại vị trí của dự án vào năm 2017, 2018 các cơ quan chức năng của huyện Lạc Dương đã phát hiện 02 vụ và đã lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật” - văn bản của UBND huyện Lạc Dương nêu rõ.
Cụ thể, năm 2017, đã xử lý hành chính với số tiền là 15.000.000 đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật và tịch thu sung công quỹ nhà nước 60 lóng gỗ tròn, với khối lượng 4,937m3 (theo quyết định số 001002/QĐXPVPHC ngày 25/8/2017).
Và năm 2018, đã xử lý hành chính với số tiền là 2.650.000 đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật và tịch thu sung công quỹ nhà nước 20 lóng gỗ tròn, với khối lượng 2,201m3 (theo quyết định số 000651/QĐ-XPVPHC ngày 5/6/2018).
Rõ ràng, phản hồi của UBND huyện Lạc Dương có điểm tương đồng với phản ánh trước đó người dân tại thôn 6 (xã Đạ Sar) đến VPĐD báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh về hành vi chặt phá thông rừng tại địa điểm dự án lò đốt rác. Song, không chỉ dừng lại ở năm 2017, 2018, hàng chục hộ dân quả quyết, các năm sau đó, từ năm 2019-2020, khi Đồi Cao vẫn còn là đường đất thì một nhóm người vẫn ngang nhiên ngày đêm đốn hạ cây rừng.
Phản ánh này của người dân là có hay không, là đúng hay sai, UBND huyện Lạc Dương hoàn toàn không đề cập đến…
Nhiều cây thông lớn đã bị chặt phá
Ngang nhiên đưa xe reo vào rừng chờ thông
Kiểm lâm ghi nhận việc chặt phá rừng thông
Nội dung thứ 2: UBND huyện Lạc Dương khẳng định, hiện đã đăng ký thu hút đầu tư dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, trình UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định. Sau khi được chấp thuận đầu tư sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như vậy, có thể hiểu, đến thời điểm này dự án lò đốt rác chỉ mới được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ranh giới đất và kế hoạch sử dụng đất. Thực tế, dự án chưa được chấp thuận đầu tư, chưa triển khai, chưa có chủ đầu tư dự án... Tuy nhiên, không biết căn cứ vào đâu mà từ tháng 7/2021, UBND huyện Lạc Dương đã tạm giao toàn bộ vị trí diện tích 22.001,1m2 thuộc dự án này cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện quản lý.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, vào ngày 6/5 vừa qua, ngay khu vực bước vào phần đất dự án lò đốt rác là một tấm biển đỏ (chữ vàng) được cắm sẵn. Trong đó, dòng chữ khẳng định chủ đầu tư dự án là “Ban quản lý dự án xây dựng và công trình công cộng”.
Vừa được UBND huyện Lạc Dương tạm giao quản lý toàn bộ khu đất, lại xuất hiện biển thông báo “tự nhận” là chủ đầu tư dự án, liệu rằng, Ban quản lý dự án xây dựng và công trình công cộng có liên quan gì đến những hành vi như: cắm biển đỏ, rào cọc bệ tông bao quanh khu đất, giăng dây kẽm gai kín mít, chặn đường dân sinh…mà người dân địa phương phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị trước đó?
Thêm vào đó, với cách phản hồi quy mô dự án 2,2ha, cách xa khu dân cư hiện hữu khoảng 05km (tức 500m), thông tin mà UBND huyện Lạc Dương cung cấp gây khó hiểu, vì cách xa 500m nói trên được tính từ vị trí nào, từ ranh giới đất hay từ vùng tâm (vùng lõi) của dự án?
Ngoài ra, cũng theo UBND huyện Lạc Dương, 2,2 ha đất dự án lò đốt rác hiện là đất trống, trảng cỏ, cây bụi, không có rừng và không có hộ dân nào sản xuất trong khu vực dự án, không có hiện tượng lấn chiếm xảy ra. Điều này, một lần nữa gây khó hiểu, vì cũng trong phạm vi văn bản phản hồi này, UBND huyện Lạc Dương cho biết trong 2 năm 2017, 2018 có xảy ra hành vi phá rừng trái pháp luật tại vị trí thuộc dự án lò đốt rác. Vậy, có phải cây rừng qua các năm đã bị đốn hạ sạch sẽ?
Chưa kể, ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại khu vực dự án cho thấy, bên trong dự án có nhiều cây thông lớn đã bị đốn hạ chỉ còn lại phần gốc.
Với những thông tin bất nhất này, có lẽ chỉ có chính quyền huyện Lạc Dương mới có câu trả lời rõ nhất?
UBND huyện Lạc Dương cấp GCN kinh doanh dịch vụ du lịch ngay cạch dự án xây lò đốt rác
Nội dung thứ 3: Theo UBND huyện Lạc Dương, tổng mức đầu tư dự án lò đốt rác dự kiến khoảng 20 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa (kêu gọi nhà đầu tư). Tuy nhiên, cũng chính trong văn bản phản hồi này chính quyền huyện Lạc Dương cho hay, đã bỏ ra 11.000 triệu đồng (tương đương 11 tỷ đồng) bằng ngân sách huyện Lạc Dương để đầu tư hạ tầng đường, điện tại dự án lò đốt rác.
Cụ thể, UBND huyện Lạc Dương cho biết, mục tiêu của dự án là thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 và các năm tiếp (theo Quyết định số 1882/QĐ-UBND, ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc giao chi tiết kế hoạch vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 2626/QĐ-UBND, ngày 18/11/2020 của UBND tỉnh về việc điều chuyển kế hoạch vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019, 2020 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Nếu đúng như những gì UBND huyện Lạc Dương thông tin, thì cần phải làm rõ, cơ sở nào để lấy tiền Nhà nước làm đường, điện… khi dự án lò đốt rác này còn chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt?
Chưa kể, với cách dùng “Chương trình Quốc gia” để viện dẫn cho việc trích tiền ngân sách đầu tư hạ tầng đường, điện tại dự án bất chấp dự án chưa được chấp thuận của UBND huyện Lạc Dương là thiếu tính thuyết phục. Bởi vì, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình chung của cả nước. Còn đi vào từng dự án cụ thể, thì đều phải tuân thủ đúng quy trình thực hiện dự án qua các bước. Đặc biệt, để triển khai các dự án có quy mô như dự án lò đốt rác ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương buộc phải có sự phê duyệt của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Quan điểm này thể hiện rất rõ ràng trong nội dung mà ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trao đổi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị: “Chúng tôi sẽ làm việc lại với huyện và coi lại quy hoạch. Nếu không phù hợp thì sẽ chuyển làm dự án ở chỗ khác” - ông S nói.
Mặc dù dự án lò đốt rác chưa được phê duyệt nhưng UBND huyện Lạc Dương đã chi 11 tỷ đồng để làm 3,5km đường bê tông
Đồng thời, ngay chính UBND huyện Lạc Dương cũng đã khẳng định: “..hiện đã đăng ký thu hút đầu tư dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, trình UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định”.
Đến đây, vấn đề đặt ra là, nếu trong trường hợp dự án lò đốt rác không được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận, và buộc phải chuyển làm ở chỗ khác (như phản hồi của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) thì với phần kinh phí đã dùng để làm đường, ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách? Hướng xử lý cụ thể sẽ như thế nào?
Đây là câu hỏi lớn mà UBND huyện Lạc Dương vẫn chưa đưa ra được lời giải thích thỏa đáng đến Báo Kinh tế & Đô thị.
Như Tieudung.vn đã thông trước đó, trong đơn phản ánh gửi đến Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh, gần 20 hộ dân tại thôn 6 (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đồng loạt “kêu cứu” vì lo sợ dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt - lò đốt rác được xây dựng tại tiểu khu 143 thuộc địa phương này, khi đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân, cũng như những bất hợp lý trong quá trình thu gom rác…
“Khu vực cắm biển thông báo xây lò đốt rác, rào ranh giữ đất nằm ngay bên cạnh khu dân cư đã sinh sống ổn định từ lâu, một số khu dân cư mới đã và đang được xây dựng. Đặc biệt, quanh khu vực này đang làm nông nghiệp sạch của hơn 20 cơ sở, cung cấp rau quả sạch cho nhiều tỉnh phía Nam. Chính vì vậy, nếu “lò đốt rác” được đưa vào hoạt động, chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, cảnh quan xung quanh và sức khỏe con người…” - anh N.T.H. , một hộ dân chia sẻ.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.