TP Hồ Chí Minh: Cầu Long Kiểng có hết “treo” sau 22 năm?

(Tieudung.vn) - TP Hồ Chí Minh đang có hàng chục cây cầu xây dựng dở dang nhiều năm, quán quân là cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè bị treo đã 22 năm do vướng giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan chức

TP Hồ Chí Minh: Cầu Long Kiểng có hết “treo” sau 22 năm?

TP Hồ Chí Minh: Cầu Long Kiểng có hết “treo” sau 22 năm?
TP Hồ Chí Minh đang có hàng chục cây cầu xây dựng dở dang nhiều năm, quán quân là cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè bị treo đã 22 năm do vướng giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan chức năng huyện Nhà Bè và thị sát tại hiện trường cho thấy cây cầu này có thể thoát treo vào năm 2023.

Giải phóng mặt bằng đang là nút thắt hết sức khó khăn, phức tạp để mở rộng, xây dựng  cầu, đường giao thông trên cả nước, đặc biệt nhất là đối với TP Hồ Chí Minh. Hiện trên địa bàn này đang tồn tại hàng chục cây cầu có vốn đầu tư nhiều trăm tỷ đồng được thi công dang dở nhiều năm, không biết đích thời gian hoàn thành đi vào khai thác.

Quán quân thời gian treo

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương nối xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức thuộc huyện Nhà Bè có quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2001 để thay cây cầu sắt rộng chỉ 3m, tải trọng dưới 3,5 tấn, xây trước năm 1976 đã xuống cấp nghiêm trọng.  Năm 2004 chủ đầu tư tổ chức giải phóng mặt bằng, đến năm 2007 đã có 25 hộ dân trong tổng số 128 hộ bị ảnh hưởng đã nhận đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên sau năm 2007, bóng dáng cây cầu vẫn nằm trên giấy, việc giải phóng mặt bằng dừng lại.

Hơn mười năm sau, giữa năm 2018 sau vụ cây cầu sắt hiện hữu bị sập, TP Hồ Chí Minh mới quyết định xây cầu mới bằng bê tông có vốn đầu tư 557 tỷ đồng, khẩu độ rộng 15 m, dài 318 m không kể 660 m đường đẫn 2 đầu cầu. Do áp lực an toàn giao thông sau vụ cây cầu sắt bị sập nên TP Hồ Chí Minh và huyện Nhà Bè đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn để hoàn thành cây cầu vào năm 2020 như dự kiến. Tuy vậy quyết tâm cũng chỉ là quyết tâm thôi, thực tế chủ đầu tư đã không thể vượt qua khó khăn về giải phóng mặt bằng.

Sau 17 tháng thi công phần xây lắp, tháng 12/2019 nhà thầu phải tạm dừng thi công sau khi hoàn thành 7/8 trụ cầu,  còn 2 trụ móng đầu cầu và trụ  T7 vướng mặt bằng không thể thi công. Hàng ngày lưu thông qua đây người dân nhìn thấy  7 cây trụ cầu mọc lên chơ vơ có lẽ không ai không cảm giác buồn. Đến mức, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa IX, bà Nguyễn Thị Lệ sau khi đi thị sát thực tế cây cầu Long Kiểng, tại một cuộc họp với các chủ đầu tư giữa năm 2020 đã phát lên: “Cầu làm 20 năm không xong, các đồng chí có xót không?”.

TP Hồ Chí Minh: Cầu Long Kiểng có hết “treo” sau 22 năm?

Cầu Long Kiểng vào thời điểm vắng phương tiện giao thông

Nút thắt giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ

Ngoài nút thắt chung là đơn giá đền bù quá thấp, cầu Long Kiểng còn vướng là thiếu quỹ tái định cư. Trong 103 hộ dân được bồi thường có 46 hộ thuộc diện tái định cư. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, Trần Phương Tuấn thì đến nay đã có 99/103 hộ dân đã đồng ý ký phương án đền bù, 36/46 hộ dân có nhu cầu tái định cư đã có nền đất tái định cư tại dự án khu dân cư Thanh Nhựt cùng trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2021 đến nay huyện Nhà Bè đã rất áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng cho cây cầu này. Ban đã trình UBND huyện tham mưu cho UBND TP vận dụng các chính sách theo Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ, hệ số K bảng giá đất năm 2022 và hệ số K theo Quyết định số 10/2021 của UBNDTP để tăng tối đa mức đơn giá đền bù. Cụ thể đơn giá đền bù đất ở phía xã Phước Kiển hơn 44 triệu đồng/m2, phía xã Nhơn Đức hơn 37 triệu đồng/m2.

Tuy đơn giá đền bù đang còn khoảng cách khá lớn so với giá đất nhưng nhìn chung các hộ dân đều chấp nhận. Vẫn theo ông Tuấn, huyện đang tiếp tục vận động 4 hộ dân còn lại, làm nhanh thủ tục chi trả tiền đền bù, quyết tâm hoàn thành đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong quý 3 năm 2022. Tuy nhiên, dù sao đó cũng chỉ là quyết tâm của chính quyền, khi và chỉ khi 103 hộ dân ký nhận đủ tiền đền bù và tiền hỗ trợ di dời thì mới dám chắc hiện thực.

Đang phát sinh vướng mắc.

Hiện tại, mặt bằng để thi công phần xây lắp còn lại (2 trụ móng đầu cầu và trụ T7) huyện Nhà Bè đã bàn giao cho chủ đầu tư. Thực tế nhà thầu đã di chuyển cần cẩu, máy móc tới hiện trường để chuẩn bị thi công. Theo một kỷ sư bên nhà thầu có mặt tại hiện trường, phần xây lắp sẽ hoàn thành chậm nhất vào quý 2/2023. Tuy nhiên, xây lắp xong nhưng mặt bằng giải phóng làm đường dẫn còn kiểu “xôi, đỗ” thì cây cầu không thể khai thác được.  Qua tiếp xúc ngẫu nhiên với một số hộ dân tại hiện trường của phóng viên Báo Kinh tế Đô thị cho thấy vẫn còn phát sinh một số vướng mắc.

Chẳng hạn, hộ dân có số nhà 1381 Lê Văn Lương phía xã Phước Kiển. Hộ này phải giải phóng một phần nhà là 30,4 m2, đã ký phương án đền bù, gia đình có đến 8 anh chị em ở chung đồng sở hữu, cha mẹ mất không làm kịp thủ tục di chúc thừa kế tài sản, mong sớm nhận được tiền đền bù để ổn định làm ăn. Thế nhưng, theo ông Cường đại diện chủ hộ cho biết, chính quyền yêu cầu phải đầy đủ thủ tục mới cho nhận tiền đền bù, rất khó làm được, trong khi 8 anh chị em đã ký vào biên bản kiểm kê tài sản.

Đại diện một hộ dân khác không tiết lộ tên, phía xã Nhơn Đức, phản ánh việc áp giá đền bù chưa phù hợp chính sách theo Nghị quyết 27 của Chính phủ và Quyết định số 10 của UBNDTP, có khi phải thưa kiện lên TP. Tại sao hộ dân này muốn thưa kiện? Đơn giản, nếu theo giá theo bảng giá đất 2020-2024, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 và hệ số K theo quyết định số 10/2021 thì đơn giá đền bù đất ở đường Lê Văn Lương phía xã Nhơn Đức là 39,6 triệu đồng/m2 (3,3 x 1,5 x 8) chứ không phải hơn 37 triệu đồng/m2 như nói ở trên.

Theo cách tính này thì đơn giá đền bù đường Lê Văn Lương phía xã Phước Kiển là 50,4 triệu đồng/m2 (4,2 x 1,5 x 8) chứ không phải hơn 44 triệu đồng/m2. Như vậy, đơn giá đền bù như huyện Nhà Bè đang tiến hành vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với đơn giá đền bù theo chính sách, gây nghi ngờ cho các hộ dân. Điều này thiết nghĩ TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu để điều chỉnh, đã ra chính sách rồi thì nên nhất quán và vận dụng tối đa chính sách.

Việc phải hy sinh một phần hoặc toàn bộ căn nhà đang sinh sống ổn định nhiều năm, chấp nhận để nhà nước giải phóng mặt bằng làm công trình giao thông là câu chuyện không có quyền lựa chọn khác của người dân. Các cơ quan chức năng làm đại diện cho nhà nước nên xác định không được máy móc hành chính, không được biến các hộ dân từ ân nhân của chính quyền trở thành người phải chạy vạy đi xin chính quyền nhận tiền đền bù. Đó là tâm tư của nhiều hộ dân.