TP Hồ Chí Minh: Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cung cấp thông tin cho báo chí

(Tieudung.vn) - Thành lập năm 2019, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm Báo chí (TTBC) TP Hồ Chí Minh đã trở thành cầu nối không thể thiếu giữa các tòa soạn báo, đài với chính quyền, cơ quan chức năng TP.

TP Hồ Chí Minh: Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cung cấp thông tin cho báo chí

TP Hồ Chí Minh: Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cung cấp thông tin cho báo chí
Thành lập năm 2019, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm Báo chí (TTBC) TP Hồ Chí Minh đã trở thành cầu nối không thể thiếu giữa các tòa soạn báo, đài với chính quyền, cơ quan chức năng TP.

Cầu nối, đầu mối cấp thông tin

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng , sau 5 năm thành lập, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, UBND TP, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện, sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông, người dân TP…, TTBC TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính là thực hiện chức năng đầu mối tiếp nhận, cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - của TP định kỳ hàng tuần giữa lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng.

TP Hồ Chí Minh: Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong cung cấp thông tin cho báo chí

Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng trong một lần trả lời báo chí

Bên cạnh đó, TTBC còn tham mưu cho Sở TT&TT xây dựng, triển khai hiệu quả hoạt động, định hướng thông tin, tiếp nhận và phản hồi thông tin báo chí một cách chủ động, kịp thời về các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc. Cùng với đó tiếp nhận, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin từ các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan có thẩm quyền khác để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Đặc biệt, khi TP Hồ Chí Minh trải qua những ngày tháng đại dịch Covid-19, phải đối diện xử lý những việc rất mới và khó, người dân cần có thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời từ chính quyền trước những thông tin giả, tin sai sự thật xuất hiện tràn lan, tuy còn non trẻ nhưng TTBC đã góp phần không nhỏ vào quá trình điều hành thông tin phòng, chống dịch. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình livestream “Dân hỏi - TP trả lời”, với hàng chục triệu lượt tương tác chỉ trong hơn 1 tháng, đã đóng góp rất lớn trong kết nối người dân và chính quyền TP trong thời điểm bị phong toả, kết nối giúp đỡ hàng ngàn trường hợp người dân gặp khó khăn.

Thời gian đầu hoạt động, do TTBC TP Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở TT&TT, là mô hình duy nhất và đầu tiên trong cả nước được thành lập khi chưa có mô hình kiểu mẫu nên còn nhiều lúng túng, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Hiện nay, khối lượng công việc của TTBC rất lớn trong việc thực hiện vai trò đầu mối cung cấp thông tin của TP và công tác tham mưu xây dựng, triển khai các kế hoạch truyền thông theo chỉ đạo của UBND TP, Sở TT&TT.

Chuyển đổi số để phát huy hiệu quả

Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, trước thực tế một số cơ quan chậm trả lời câu hỏi của báo đài, TTBC cùng Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tham mưu UBND TP yêu cầu các sở, ngành thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận và xử lý các phản hồi từ báo chí, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận. Thứ Tư hàng tuần, thông qua TTBC, các đầu mối nêu trên có trách nhiệm tiếp nhận câu hỏi phóng viên gửi đến; các câu hỏi này phải được trả lời bằng văn bản trước họp báo định kỳ diễn ra lúc 16 giờ ngày thứ Năm hàng tuần.

Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận, phản hồi thông tin. Song song với việc duy trì và phát triển cổng tiếp nhận câu hỏi, TTBC đang nghiên cứu xây dựng ứng dụng cho phép phóng viên báo chí dễ dàng gửi câu hỏi, theo dõi tiến độ giải quyết và nhận phản hồi từ các cơ quan chức năng một cách nhanh chóng, thuận tiện.

“Nhờ những giải pháp trên, các sở, ban, ngành đã khắc phục tình trạng chậm trễ trả lời câu hỏi của báo chí. Chất lượng trả lời câu hỏi cũng được nâng cao rõ rệt, các câu trả lời được trình bày đầy đủ, chính xác, khách quan và trung thực, đáp ứng được yêu cầu của hầu hết cơ quan báo chí” - ông Lâm Đình Thắng cho biết.

Đối với chủ đề năm 2024 của TP Hồ Chí Minh là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, theo ông Lâm Đình Thắng, Sở TT&TT xác định đây là chủ đề mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của TP trong giai đoạn tới. Do đó, Sở TT&TT đã chỉ đạo TTBC chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ đề công tác năm 2024 đến báo chí và các tầng lớp Nhân dân; tích cực tuyên truyền, giải thích những cơ chế, chính sách mới của T.Ư và TP.

Sở TT&TT cũng chỉ đạo TTBC cần chú trọng phát huy vai thế mạnh là một trong những đơn vị công lập ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số. Thời gian qua, TTBC đã ứng dụng mạnh mẽ nhiều sáng kiến, cách làm hay, góp phần nâng cao hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị như: tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến, đổi mới phương thức check-in báo chí, phát triển truyền thông đa nền tảng...

“Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị TTBC tiếp tục tăng cường và phát huy tốt công tác tổ chức các hội thảo, sự kiện có yếu tố nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ vào công tác truyền thông. Bên cạnh đó, TTBC cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật; tạo môi trường thống nhất, liên kết giữa các phần mềm, hệ thống. Qua đó, thể hiện hiệu quả hơn nữa vai trò “số hóa” thông tin để truyền tải đến báo chí, độc giả trong nước và quốc tế” - ông Lâm Đình Thắng nói.

Cần thêm chức năng để phù hợp trong tình hình mới

Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng, trong bối cảnh bùng nổ truyền thông như hiện nay, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh định hướng TTBC trở thành trung tâm truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp; đồng thời, phát triển trở thành một trung tâm phản bác tin giả của TP.

Trong đó, tiếp tục là cầu nối giữa cơ quan báo chí với các sở, ngành để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách; đa dạng hóa các hình thức thông tin, khai thác tối đa hiệu quả của các kênh truyền thông mới như mạng xã hội, trang thông tin điện tử, TikTok…, để tiếp cận rộng rãi đến người dân. Khi thông tin thật, giả lẫn lộn như hiện nay, TTBC có vai trò quan trọng. Đặc biệt, việc trở thành một trung tâm phản bác tin giả, tin xấu độc của TP sẽ giúp TTBC phát huy hết những tiềm lực của mình, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng từ người dân, DN và cơ quan Nhà nước.

Về định hướng thời gian tới, Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng, chia sẻ: “Từ những những thuận lợi và khó khăn đối với mô hình TTBC như đã nêu, căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tế của TP, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới về công tác truyền thông chủ động, toàn diện phản ánh mọi mặt xã hội của TP, Sở TT&TT đề xuất UBND TP sửa đổi, bổ sung chức năng truyền thông tại Quyết định 1049/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của Chủ tịch UBND TP về thành lập TTBC trực thuộc Sở TT&TT nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ truyền thông chiến lược của TP, đặc biệt là truyền thông chính sách. Cụ thể, đề xuất bổ sung chức năng truyền thông và đổi tên TTBC thành Trung tâm Báo chí và Truyền thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ truyền thông chiến lược của TP trong thời gian tới”.

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đề ra mục tiêu: đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.