TP Hồ Chí Minh: Đề xuất miễn học phí học kỳ II cho học sinh công lập
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình HĐND TP về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong học kỳ II năm học 2021-2022.
Hà Nội điều chỉnh lại kế hoạch cho học sinh THPT đi học từ 6/12
Hà Nội hướng dẫn cách xử lý khi trường học phát hiện F0
TP Hồ Chí Minh: Phát hiện học sinh mắc Covid-19 cần xử lý theo quy trình nào?
Theo đó, nội dung trên được UBND TP đề cập trong tờ trình HĐND thành phố Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trong học kỳ II, năm học 2021-2022, công bố ngày 7/12.
Cụ thể, TP sẽ hỗ trợ học phí cho hơn 1,3 triệu học sinh tại các trường công lập và ngoài công lập, trừ học sinh các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.
UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục miễn học phí cho tất cả học sinh, kể cả trường ngoài công lập, trong học kỳ II. (Ảnh: Thành Uỷ TP Hồ Chí Minh).
Trong đó, nhóm 1 là học sinh tại TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
UBND TP dự kiến chi 533 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ học phí học kỳ II, trong đó khối công lập là 358 tỷ đồng, còn lại là khối ngoài công lập. Chính sách này được áp dụng từ tháng 1/2022 đến ngày 31/5/2022.
Được biết, ngày 6/12, Ban Thường vụ Thành uỷ TP đã thống nhất chủ trương miễn, giảm học phí cho học sinh trong học kỳ II.
Như vậy, theo tờ trình của UBND TP, học sinh các trường công lập sẽ được miễn học phí, còn học sinh các trường ngoài công lập sẽ được hỗ trợ học phí theo mức như trên.
Riêng với cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, bao gồm: đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học (theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc nuôi dưỡng giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ từ 20 đến 50 triệu đồng/cơ sở (1 lần) tùy theo số trẻ được chăm lo. Dự kiến có 324 cơ sở đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.
Còn đối với trẻ em mầm non có cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng (thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học). Dự kiến có 16.315 trẻ em được hỗ trợ theo Nghị quyết.
Đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục hoạt động hợp pháp trên địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hỗ trợ tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở với giáo viên và không dùng đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Dự kiến có 2.885 giáo viên thuộc diện hỗ trợ.
Tờ trình cũng nêu rõ, tổng kinh phí dự kiến cho 3 chính sách hỗ trợ 3 đối tượng trên là hơn 55,9 tỷ đồng.
Trước đó, TP đã chi 427 tỷ đồng hỗ trợ học phí kỳ I cho hơn 1,3 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT, kể cả học sinh trường ngoài công lập.
Từ đầu năm đến nay, học sinh TP học trực tuyến, trừ hơn 200 em ở xã đảo Thạnh An được học trực tiếp từ giữa tháng 10. Theo kế hoạch của UBND TP, học sinh khối 1, 9 và 12 đến trường học trực tiếp từ 13/12.