TP Hồ Chí Minh: Được phân cấp những vấn đề gì thì phải tự đề nghị và báo cáo Chính phủ
Nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần được phân cấp những vấn đề gì thì phải tự chủ động đề nghị lên Chính phủ thay vì báo cáo các bộ, ngành rồi đợi bộ, ngành báo cáo Chính phủ sẽ mất thời gian.
TP Hồ Chí Minh: Triển khai tiêm thêm nhiều loại vaccine miễn phí cho trẻ
TP Hồ Chí Minh: Cần nhiều phương án hiệu quả để tăng trưởng tốt trong năm 2024
TP Hồ Chí Minh: Một địa chỉ liên tục “thay tên, đổi họ” thẩm mỹ, Sở Y tế chuyển công an điều tra
Ngày 10/1, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị nghiên cứu, thảo luận ý kiến đối với dự thảo nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều vấn đề phải xin ý kiến đồng loạt các bộ, ngành.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì Hội nghị diễn ra sáng nay 10/1. Ảnh: VGP
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, nếu TP chờ ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất các vấn đề phân cấp thì rất khó đáp ứng được mong muốn của TP có đủ thẩm quyền để thực hiện các chính sách đã được Quốc hội ban hành ở Nghị quyết 98.
"Chúng ta cần được phân cấp vấn đề gì thì thành phố phải tự đề nghị và báo cáo Chính phủ...Nếu chờ ý kiến các bộ ngành thì có khi mất 2-3 năm nữa cũng chưa thể làm" – ông Tuấn nói.
Đi vào dự thảo nghị định, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, phân cấp là phải quyết định những vấn đề mang tính chất quyết đáp, thực hiện các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội mới thực hiện được.
Từ đó ông Tuấn đề nghị các sở, ngành cũng tham mưu UBND TP đề xuất phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, cần thay đổi tư duy phân cấp cho TP phải đảm bảo nguyên tắc phân cấp triệt để, bảo đảm sự chủ động, tự quyết cho chính quyền TP. Vì nếu những vấn đề TP Hồ Chí Minh xin ý kiến các bộ, sau đó báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, lưu ý phân định rõ thẩm quyền chung của UBND, thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND TP.
Về tổ chức bộ máy, bà Phạm Phương Thảo đề nghị được giao quyền chủ động sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban, chủ động về biên chế và thu nhập tăng thêm. Trong đó, biên chế nhân sự nên tương ứng với dân số.
Góp ý tại hội nghị, một số chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, có những việc mà lẽ ra các địa phương làm tốt hơn, nhưng do chưa được phân cấp nên cần ý kiến từ Bộ, ngành đã trở thành “rào cản” và làm mất đi cơ hội lẫn thời gian.
Do đó, việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương là cần thiết và khi phân cấp cần phải bảo đảm thống nhất việc thực thi.
Cần bãi bỏ tình trạng giao thẩm quyền cho thành phố, nhưng vẫn phải xin ý kiến trước khi quyết định, gây mất nhiều thời gian và cơ hội.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho hay, nhiều ý kiến cho thấy cần thiết yêu cầu mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn trong phân cấp cho TP Hồ Chí Minh nhưng vấn đề quan trọng là điều khoản thi hành.
"Điều khoản thi hành không chặt chẽ thì phải xin ý kiến Chính phủ. Phối hợp với bộ ngành, như vậy sẽ khó khăn. Vì vậy, giao quyền thì giao luôn quy trình thủ tục để áp dụng tại TP Hồ Chí Minh chứ không cần hướng dẫn" – ông Võ Văn Hoan nói.
Còn theo đại diện Bộ Nội vụ, việc đề xuất phân cấp cho TP Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực xuất phát từ yêu cầu triển khai các cơ chế đặc thù (theo Nghị quyết 98 của Quốc hội) nhằm đẩy mạnh quyền tự chủ trong vấn đề quản lý và phát triển TP. Do đó, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Bộ Nội vụ luôn đồng hành với TP Hồ Chí Minh vì lợi ích chung.
Đại diện Bộ Nội vụ cũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, sớm hoàn thiện nghị định, trình Thủ tướng xem xét quyết định trong tháng 1/2024.