TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt sai phạm tại Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân

(Tieudung.vn) - Không đứng lớp gần 200 tiết, vẫn “ung dung” hưởng phụ cấp ưu đãi trong nhiều năm. Vận động tài trợ khi chưa được duyệt, rồi chi sai mục đích. Dùng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học s

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt sai phạm tại Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt sai phạm tại Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân
Không đứng lớp gần 200 tiết, vẫn “ung dung” hưởng phụ cấp ưu đãi trong nhiều năm. Vận động tài trợ khi chưa được duyệt, rồi chi sai mục đích. Dùng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để bồi dưỡng chức danh bí thư, phó bí thư, trả tiền kỷ niệm chương…

Những sai phạm này xảy ra tại Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) với số tiền chi sai gần 500 triệu đồng. Không những vậy trong công tác quản lý, Ban Giám hiệu nhà trường, trong đó Hiệu trưởng là bà Nguyễn Thị Nha Trang còn có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, trù dập người tố cáo.

Chi sai gần nửa tỷ, không dạy gần 200 tiết vẫn nhận tiền!

Theo kết luận thanh tra (KLTT) của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh vừa công bố, định mức tiết dạy mỗi năm học của bà Nguyễn Thị Nha Trang – Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc là 70 tiết nhân với 4 năm học (2017 - 2018, 2018 - 2019, 2019 - 2020, 2020 - 2021) là 280 tiết, nhưng bà Trang chỉ dạy 222 tiết.

Tương tự, bà Trương Thị Mỹ Thanh - Phó Hiệu trưởng, có số tiết phải dạy trong 3 năm học (2019 - 2020, 2020 - 2021, 2021 - 2022) là 280 tiết nhưng bà Thanh thực dạy 154 tiết, không dạy 126 tiết.

Mặc dù không dạy gần 200 tiết học, nhưng cả Hiệu trưởng, Hiệu phó vẫn lĩnh trọn tiền phụ cấp của hàng trăm tiết không dạy với số tiền 88.733.600 đồng (bà Trang 72.553.597 đồng, bà Thanh 16.179.600 đồng).

TP Hồ Chí Minh: Hàng loạt sai phạm tại Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân

Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), nơi xảy ra hàng loạt sai phạm trong điều hành, quản lý, thu chi tài chính.

Đối với công tác quản lý tài chính - tài sản, cụ thể thực hiện các nguồn tài trợ cho giáo dục theo thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, nhà trường vận động tài trợ và sử dụng kinh phí vận động khi chưa được Sở GD&ĐT phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ. Sử dụng kinh phí được tài trợ cho các khoản chi không đúng quy định, như: Chi bồi dưỡng công tác đảm bảo , trật tự, nghỉ trưa, vệ sinh với số tiền 138.345.455 đồng.

Đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong các năm học 2018 - 2019, 2019 - 2020, 2020 - 2021, nhà trường thực hiện không đúng quy định tại thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đó là tổ chức thu theo mức bình quân, thu qua kế toán, thủ quỹ; Chi khi chưa có dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ được thống nhất giữa Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và giáo viên chủ nhiệm lớp. Sử dụng nguồn kinh phí này để chi bồi dưỡng chức danh bí thư, phó bí thư, mua sổ đoàn viên, bồi dưỡng các bài lý luận chính trị cho đoàn viên, tiền kỷ niệm chương và hỗ trợ các hoạt động giáo dục trái quy định với số tiền 258.493.900 đồng.

Tùy tiện đưa ra hình thức đánh giá, xếp loại viên chức

Ngoài những sai phạm nêu trên, trong công tác tổ chức cán bộ, Ban Giám hiệu nhà trường tự ý làm trước khi có quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, hướng dẫn đánh giá cán bộ - viên chức theo hiệu quả công việc hàng quý năm 2018 và 2019 của trường có trước khi UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định 4631/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 và quyết định 3728/QĐ-UBND ngày 3/9/2019. Hay việc ban hành quyết định có tên ông Hiệu phó Kiều Tấn Tiệp từ tháng 1/2020, nhưng vào tháng 5/2020 ông này mới được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng và nhận nhiệm vụ.

Sở GD&ĐT kết luận các hướng dẫn đánh giá và quyết định nêu trên của Trường THPT Vĩnh Lộc không có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, không có hiệu lực để thi hành và đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục hành chính.

Ngoài ra, trong công tác văn thư, Ban Giám hiệu Trường THPT Vĩnh Lộc còn ban hành hàng loạt kế hoạch, quyết định phân công nhiệm vụ cán bộ quản lý từ năm học 2017 - 2018 đến nay… không có số, không ngày, không năm hoặc nếu có số lại lệch thời gian ban hành.

Không những tùy tiện trong thu chi tài chính, ban hành văn bản hành chính. Ban Giám hiệu trường còn tùy tiện trong việc đánh giá, xếp loại viên chức hàng quý để chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP Hồ Chí Minh. Đơn cử việc lạm quyền trong đánh giá, xếp loại trường hợp giáo viên Lê Thị Tố Nga từ quý IV/2020 đến năm 2021, dẫn đến bà Nga khiếu nại nhưng không được giải quyết. Sau đó Giám đốc Sở GD&ĐT ban hành quyết định 1566/QĐ-SGDĐT ngày 23/6/2021 yêu cầu nhà trường thực hiện, nhưng Ban Giám hiệu trường cố tình phớt lờ.

Bản KLTT của Sở GD&ĐT chỉ rõ trong tổ chức thực hiện việc đánh giá, xếp loại viên chức đối với bà Nga, trường có nhiều vi phạm. Đó là: Tự ý đặt ra các hình thức “Không xét”, “Chưa xét”, “Khống chế”, “Hạ bậc” trái với quy định của quyết định 4631 và quyết định 3728 của UBND TP Hồ Chí Minh. Tự ý đặt ra “Lý do HĐ đánh giá trường không xét vì có đơn thưa kiện chưa được giải quyết ổn thỏa (quý I năm 2021)”, tự ý đặt ra “Lý do HĐ đánh giá trường chưa xét (quý III năm 2021), chờ xây dựng bảng điểm tiêu chí mới sẽ xét” là trái với quy định tại quyết định 4631. Vi phạm khoản 2 điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011: “Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại”. 

Cũng theo Sở GD&ĐT, trong hướng dẫn đánh giá xếp loại viên chức năm học 2020 - 2021 của Trường THPT Vĩnh Lộc không có tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng công chức, viên chức; Không có sự thống nhất quy định đối với những hành vi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa để có cơ sở đánh giá, xếp loại viên chức “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Do vậy, kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức năm 2020 - 2021 đối với bà Lê Thị Tố Nga “Không hoàn thành nhiệm vụ” với lý do “Chưa lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp; Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa” là chưa có cơ sở.

Hiệu trưởng nói KLTT của Sở GD&ĐT… không đúng!

Từ những kết luận nêu trên, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu Trường THPT Vĩnh Lộc thực hiện nhiều vấn đề, trong đó không được tự ý đặt ra các hình thức phân loại, các lý do trái quy định. Sau khi ban hành quy chế đánh giá, xếp loại viên chức năm học 2020 - 2021, phải thực hiện lại việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức, trong đó có bà Lê Thị Tố Nga.  

Phải thu hồi số tiền phụ cấp ưu đãi của tất cả các tháng mà bà Nguyễn Thị Nha Trang và bà Trương Thị Mỹ Thanh không dạy nhưng đã hưởng chế độ (bà Trang 72.553.597 đồng, bà Thanh 16.179.600 đồng). Thu hồi 138.345.455 đồng chi trái quy định cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự, nghỉ trưa, vệ sinh. Thu hồi 258.493.900 đồng chi sai quy định và hoàn trả cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Đối với Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Nha Trang về những sai phạm nêu trên.

Trong khi những sai phạm của Ban Giám hiệu chưa được xử lý, nhiều giáo viên của Trường THPT Vĩnh Lộc phản ánh vào chiều 25/5, nhà trường tổ chức họp để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo “Quy chế đánh giá, xếp loại viên chức”. Trong dự thảo quy chế có lồng ghép dự thảo phụ lục: “Nhận diện 82 biểu hiện cụ thể để nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, để áp dụng cho quần chúng là không phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị qua , bà Nguyễn Thị Nha Trang, nói: “KLTT của Sở GD&ĐT chưa đúng, tôi đã có giải trình với Sở, nhưng khi công bố vẫn xác định tôi vi phạm. Đơn cử như việc buộc tôi trả lại hơn 72 triệu đồng tiền phụ cấp ưu đãi, những buổi tôi không dạy là do tôi đi họp, có nhờ người dạy thay. Còn số tiền mấy trăm triệu đồng của Ban đại diện cha mẹ học sinh là họ có ủy quyền cho tôi”.

Tuy cho rằng mình đúng, nhưng bà Trang thừa nhận là… có sai với các thông tư liên quan. Về việc sẽ ban hành phụ lục 82 biểu hiện nhận diện suy thoái…, kèm theo quy chế là dành cho đảng viên của trường. Còn viên chức, người lao động không là đảng viên thì áp dụng theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và phụ lục riêng dành cho quần chúng.