Từ việc VĐV ăn không đủ no: Trăn trở về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh

(Tieudung.vn) - Vụ việc bữa ăn không đủ no ở đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia gây râm ran dư luận mấy ngày gần đây làm nhiều phụ huynh liên tưởng đến bữa ăn bán trú của con tại trường học; trong đó có không ít bă

Từ việc VĐV ăn không đủ no: Trăn trở về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh

Từ việc VĐV ăn không đủ no: Trăn trở về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh
Vụ việc bữa ăn không đủ no ở đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia gây râm ran dư luận mấy ngày gần đây làm nhiều phụ huynh liên tưởng đến bữa ăn bán trú của con tại trường học; trong đó có không ít băn khoăn về hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi suất cơm chưa đảm bảo.

Từ việc VĐV ăn không đủ no: Trăn trở về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh

Chất lượng bữa ăn bán trú được nhiều phụ huynh quan tâm (Ảnh minh họa)

Lo con đói, cha mẹ chuẩn bị thêm đồ ăn cho con

Đầu tháng 4/2023, trên một số diễn đàn có gửi hình ảnh bữa ăn của học sinh tại một trường mầm non tư thục đóng trên địa quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) kèm nỗi bức xúc và thất vọng. Phụ huynh cho rằng, mình phải đóng mức 70.000 đồng/ngày cho con ăn ở trường nhưng con nhận lại bữa ăn quá ít ỏi và nghèo nàn dinh dưỡng khi: “Cốc nước cam như cốc nước lọc, chuối cắt lát, nho bổ đôi, bát cháo trắng không đầy đặn với vài miếng thịt băm; thậm chí, đồ ăn cháy xém vẫn mang cho các con ăn”…

Có phụ huynh xót xa : “Con tôi hôm nào cũng đòi mang đồ ăn tới lớp và chiều nào về con cũng kêu đói. Lúc đầu, tôi nghĩ con muốn chia cho các bạn nhưng khi thấy tình trạng kéo dài trong thời gian khá lâu, tôi đã nhờ thầy cô chụp lại suất ăn của các con và giật mình vì bữa ăn quá lèo tèo”.

Ngày 2/10, bảng kê bữa trưa của Trường Mầm non Phước Long B, TP Thủ Đức (Hồ Chí Minh) khiến nhiều phụ huynh xôn xao bởi đơn giá của nhà trường đưa ra chưa hợp lý, đắt hơn nhiều so với đồ mua ở siêu thị.

Từ việc VĐV ăn không đủ no: Trăn trở về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh

Bảng giá thực phẩm bữa ăn trưa ngày 2/10 của trường Mầm non Phước Long B (Ảnh: PHCC)

Cụ thể, dưa hấu không hạt giá 58.900 đồng/kg, thịt nạc dăm giá 219.800 đồng/kg, mì trứng Safoco giá 115.800 đồng/kg…. Giá này chênh lệch khá lớn so với giá phụ huynh cập nhật cùng thời điểm tại hệ thống siêu thị uy tín. Các phụ huynh cũng nhận thức rõ rằng, thực phẩm đưa vào trường phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về VSATTP nhưng kể cả những đồ khô như mì, đường, nước mắm, dầu ăn…, trường nhập cũng cao hơn bình thường thì thực sự là "có vấn đề".

“Trường đang tạm thu phần ăn sáng 15.000 đồng, ăn trưa và bữa xế (bữa chiều) 35.000 đồng. Với giá như vậy thì số lượng, chất lượng bữa ăn của các con có đảm bảo không", phụ huynh thắc mắc.

Trong khi đó, một phụ huynh (xin được giấu tên) có con theo học tại một trường phổ thông có tiếng tại Hà Nội chia sẻ: “Từ đầu năm học đến nay, điều tôi trăn trở nhất là bữa ăn bán trú của con tại trường.

Ngay buổi đầu tiên về con nói đồ ăn tanh, nguội, thức ăn không hợp khẩu vị, khó ăn… Tôi nghĩ rằng, có thể do con mình kén ăn nên không dám có ý kiến gì. Tuy nhiên, đến nay là tròn 1 tháng kể từ khi bước vào năm học mới, chất lượng đồ ăn không được cải thiện. Mùa hè đã vậy, đến mùa đông lạnh mà đồ ăn vẫn nguội thì e rằng không ổn”.

Đồ ăn ít, không nóng sốt, không đa dạng thành phần; bữa phụ thường sử dụng đồ ăn công nghiệp (bánh ngọt)… là những điều phụ huynh chưa hài lòng khi nói về bữa ăn bán trú. Theo họ, giá các bữa ăn không hề rẻ nhưng chất lượng và thành phần dinh dưỡng chưa tương xứng. Lo con đói, nhiều phụ huynh tự động mang thêm đồ ăn cho con đến trường để bổ sung.

Chưa kể, vấn đề VSATTP cũng là điều nhiều cha mẹ lo lắng khi hiện tượng học sinh bị đau bụng, nôn, khó chịu… do nghi ngờ chất lượng bữa ăn bán trú thỉnh thoảng vẫn xảy ra và được phản ánh trên các diễn đàn .

Cần giám sát chặt chẽ bữa ăn bán trú

Trao đổi với báo chí về việc giá thực phẩm của Trường Mầm non Phước Long B, TP Thủ Đức niêm yết cao hơn nhiều so với giá thực phẩm bán tại siêu thị, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho hay, nhà trường đang thu tiền suất ăn đúng quy định của HĐND thành phố.

Theo đó, giá suất ăn sáng và ăn trưa tối đa lần lượt là 20.000 và 35.000 đồng. Về phản ánh của phụ huynh, Phòng đã yêu cầu nhà trường rà soát giá nhập thực phẩm, so sánh với một số trường khác trên địa bàn. Nhận thấy mức giá thực phẩm của đơn vị cung cấp này chưa phù hợp, Phòng đã đề nghị nhà trường đổi nhà cung cấp.

Từ việc VĐV ăn không đủ no: Trăn trở về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh

Phụ huynh cho rằng cần tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn bán trú (Ảnh minh họa)

Ông Nguyên cũng cho hay, thực phẩm đưa vào trường học phải đạt một số chuẩn an toàn nghiêm ngặt nên giá sẽ khác ở chợ. Tuy nhiên, các trường cần xem lại mức giá của nhà cung cấp có phù hợp với mặt bằng chung hay không và Phòng đã yêu cầu các trường học khác rà soát lại việc này.

Về bữa ăn bán trú nghèo nàn với học sinh tại trường mầm non tư thục thuộc quận Nam Từ Liêm nêu ở trên, đại diện nhà trường thông tin: Về thực phẩm, nhà trường lấy ở nguồn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực đơn cũng được thay đổi hàng ngày. Tất cả đồ ăn bữa chính và bữa phụ luôn được bổ sung để con có thể lấy thêm nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, các phụ huynh vẫn cho rằng, câu trả lời từ phía nhà trường là chưa thuyết phục vì thông thường trẻ mầm non chia suất ăn thế nào thì các con ăn như vậy, chưa biết bày tỏ nhu cầu lấy thêm. Mặt khác, việc nhiều học sinh kêu đói, đòi mang đồ ăn đi học đã phản ánh phần nào lượng ăn ở lớp.

Được biết, bếp ăn bán trú ở các trường học được tổ chức theo nhiều hình thức, có thể nấu tại chỗ nhưng phần lớn các nhà trường hợp đồng với đơn vị chuyên về suất ăn (đã được cấp phép) từ bên ngoài.

Quy trình cung cấp suất ăn hàng ngày cho trường học được tiến hành chặt chẽ theo quy định, được tính toán định tính, định lượng khá rõ ràng về thành phần dinh dưỡng. Thực đơn cũng niêm yết khá đầy đủ, đồng thời thông báo công khai trên nhóm lớp, nhóm trường để phụ huynh, học sinh nắm được. Mặc dù bếp ăn và nhà trường cởi mở, lắng nghe góp ý nhưng không nhiều phụ huynh nêu ý kiến hay phản hồi vì vừa bận rộn, ít có thời gian lại không có chuyên môn.

Trước việc đâu đó vẫn còn những băn khoăn, hoài nghi về chất lượng bữa ăn chưa đủ dinh dưỡng, chưa tương xứng với số tiền phụ huynh bỏ ra; công tác đảm bảo VSATTP có chỗ, có nơi chưa đảm bảo…., phụ huynh mong muốn có cơ chế giám sát chặt chẽ bữa ăn bán trú với sự tham gia đầy đủ thành phần gồm cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, phụ huynh học sinh.

"Việc giám sát bữa ăn bán trú phải được tăng cường, tiến hành thường xuyên, hàng tuần trên tinh thần công tâm, khách quan, trách nhiệm, tránh hình thức và có hình thức xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm để tạo sự yên tâm cho phụ huynh còn học sinh được thụ hưởng bữa ăn đảm bảo chất lượng, giúp phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần", phụ huynh Ngô Thị An kiến nghị.

Về việc bữa ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia không tương xứng với chế độ các VĐV được hưởng theo quy định, đồng thời HLV trưởng có hành vi thu một số khoản tiền của các VĐV, Cục TDTT đã vào cuộc xác minh và đưa ra các biện pháp xử lí. Cục TDTT thay thế ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, ra quyết định dừng tập huấn đối với HLV Bùi Xuân Hà (người bị phản ánh về hành vi thu tiền của vận động viên); đồng thời chờ kết quả xác minh để có các biện pháp xử lý tiếp theo.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho hay: “Trong kế hoạch sắp tới, Cục TDTT phải rà soát để không bao giờ xảy ra hiện tượng tương tự nữa. Đây là bài học cảnh tỉnh cho tất cả những người thiếu sự quan tâm tới vận động viên, chủ yếu quan tâm lợi ích cá nhân”.

Cục trưởng cục TDTT thừa nhận, vấn đề liên quan đến việc chi cho tiền ăn, tiền lương của vận động viên đều có kiểm tra, kiểm soát cụ thể; tuy nhiên, vẫn còn kẽ hở và cần phải xử lý.