Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc
Đó là khẳng định của ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV
Thu giữ gần nửa tấn lạp xưởng đang phân hủy, bốc mùi hôi thối
Sau vụ 11 học sinh ăn chung 2 gói mì: Đề nghị các trường lắp camera giám sát bữa ăn bán trú
Trước hết, xin chúc mừng tỉnh Lào Cai trong những tháng đầu năm 2024 đã có những số liệu tăng trưởng về kinh tế, văn hoá, du lịch, giáo dục hết sức ấn tượng, dự ước tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,62%. Qua theo dõi tình hình kinh tế - xã hội những năm gần đây của tỉnh Lào Cai, chúng ta có thể thấy đây không phải là những kết quả bộc phát trong những tháng đầu năm mà đó là cả một quá trình xuyên suốt, là một tín hiệu vui cho toàn tỉnh, thể hiện hướng phát triển của tỉnh trong thời gian qua là đúng đắn.
Đặc biệt, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định “… đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Vậy công tác thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai được triển khai ra sao, đã có những thành tựu gì đột phá?
Báo Kinh tế và Đô thị có bài viết phỏng vấn ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
- Phóng viên:
Thưa ông, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, đến nay tỉnh Lào Cai đã triển khai những công việc gì và đã đạt được những thành tựu đột phá nào?
- Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã xác định đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 lĩnh vực đột phá; ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, để tập trung khai thác và phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế xã hội đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đồng thời, Lào Cai cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thành Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc” để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt nhằm thu hút thêm nguồn lực để đầu tư cho địa phương.
Lào Cai là tỉnh nằm trên tuyến giao thông (điểm kết nối quan trọng) ngắn nhất từ khu vực phía Tây Nam - Trung Quốc ra cảng biển
Đặc biệt, trong thời gian qua tỉnh Lào Cai đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng, phát triển khu kinh tế cửa khẩu nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với một địa phương với vai trò là “cực tăng trưởng” và “trung tâm kết nối giao thương kinh tế”.
- Phóng viên:
Xin ông chia sẻ một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lào Cai? Lào Cai đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế này như thế nào để có thể trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc?
- Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
Lào Cai là tỉnh có lợi thế so sánh đặc biệt, hội tụ đủ các điều kiện “riêng có” để phát triển trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, rất cần được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Chính trị. Cụ thể:
(1) Là tỉnh nằm trên tuyến giao thông (điểm kết nối quan trọng) ngắn nhất từ khu vực phía Tây Nam - Trung Quốc ra cảng biển; (2) Có khu kinh tế cửa khẩu gần 16.000 ha có đủ các loại hình giao thông kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy, và sắp tới đây là đường hàng không; (3) Có tỉnh lỵ giáp với biên giới Việt Nam - Trung Quốc; (4) Có mỏ sắt Quý Sa trữ lượng lớn nhất khu vực phía Bắc (thứ 2 Việt Nam sau mỏ sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh) và (5) tỉnh Lào Cai có Sa Pa- là địa danh du lịch cả thế giới biết đến.
Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã luôn kiên trì, chủ động thu hút nguồn lực, khai khác các tiềm năng, lợi thế chính của tỉnh, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy kinh tế cửa khẩu thành điểm đột phá của Lào Cai và của vùng: tập trung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, dịch vụ, tạo môi trường thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch, loại hình dịch vụ cửa khẩu phát triển phong phú, đa dạng, chất lượng.
Thứ hai, tập trung xây dựng Lào Cai trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam, xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia, quốc tế giàu bản sắc, hiện đại, phát triển du lịch Sa Pa là đột phá để phát triển du lịch của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Lào Cai hằng năm tăng bình quân trên 21%/năm, năm 2023 đón trên 7 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 22.500 tỷ đồng.
Thứ ba, phát triển công nghiệp trở thành “trụ cột” của nền kinh tế: tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu đồng, sắt, apatit, xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ... Các nhà máy chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như: Nhà máy tuyển đồng Tả Phời công suất 35.000 tấn tinh quặng/năm, Nhà máy luyện đồng Bản Qua công suất 20.000 tấn đồng thỏi/năm; Nhà máy phân bón DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm. Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp hết năm 2023 đạt hơn 46.000 tỷ đồng, gấp hơn 32 lần so với năm 2004 (1.408 tỷ đồng), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2004 - 2023.
Thứ tư, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn trở thành “bệ đỡ” cho phát triển kinh tế: phát huy lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Lào Cai đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm tính đến năm 2023 đạt 330,45 tấn.
Lâm nghiệp chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích và phát triển rừng ổn định, bền vững. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5%, cao hơn 16,4% so với trung bình cả nước.
Những kết quả trong sản xuất nông nghiệp đã bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững, đến nay đã có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến năm 2025 có 76/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Phóng viên:
Ông có thể cho biết một số khó khăn, thách thức trong quá trình phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc? Và tỉnh Lào Cai đã vượt qua những khó khăn, giải quyết những thách thức này như thế nào?
- Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
Đối với tỉnh Lào Cai hiện nay thách thức, khó khăn trong quá trình phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc đó là các “điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua như là:
(1) Hạ tầng giao thông kết nối Lào Cai với các bên ngoài và các địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thuận lợi, chưa tạo động lực để tỉnh khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển như kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo…
(2) Là tỉnh nằm trong khu vực các tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhiều thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống và chiếm tỷ lệ cao (chiếm 66,2%) nên chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao thấp. Đây là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là yêu cầu về nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch trong thời gian tới.
(3) Thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương cho vùng trung du và miền núi Bắc bộ tạo nguồn lực cho phát triển.
Do vậy, để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian qua tỉnh Lào Cai đã, đang và sẽ tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; phát triển hạ tầng các đô thị, khu công nghiệp, khu du dịch; đầu tư hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số, từng bước phát triển kinh tế, xã hội số và xây dựng thành phố thông minh, tiếp tục phát triển kinh tế cửa khẩu, quy hoạch và đầu tư mở rộng cửa khẩu quốc tế, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Đồng thời, cùng với các tỉnh chủ động đề xuất với Hội đồng điều phối vùng kiến nghị Trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù cho cả vùng phù hợp tạo ra nguồn lực phát triển, nhằm sớm đưa tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế, trong đó tập trung vào: xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển khu kinh tế cửa khẩu, phát triển và bảo vệ rừng, nguồn nước, an sinh xã hội.
- Phóng viên:
Xin ông chia sẻ về định hướng trong thời gian tới của tỉnh để phục vụ mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc?
- Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
Để đưa Lào Cai trở thành trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, Lào Cai xác định những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm Logistic quan trọng của cả nước, có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá; cung cấp dịch vụ logistic chi phí thấp.
Thứ hai, xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng: Lào Cai là điểm đến tầm cỡ quốc tế với trụ cột là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cùng với việc khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước.
Thứ ba, điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển công nghiệp; gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản; ưu tiên công nghiệp gia công chế tạo sản phẩm công nghệ, giá trị cao.
Thứ tư, xây dựng Lào Cai hướng tới thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng số: tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo nên mạng lưới liên hoàn, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và Quốc tế.
Thứ sáu, tiếp tục củng cố hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế gắn với vai trò "phên dậu'' quốc gia, đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai; từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai nằm trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại nằm trong khuôn khổ chương trình “Xúc tiến thương mại quốc gia 2023”, nhằm kết nối thị trường Lào Cai với cả nước, các doanh nghiệp trong nước với thị trường Trung Quốc
- Phóng viên:
Ông có đánh giá như thế nào về sự phối hợp, đồng hành của các cơ quan báo chí trong quá trình xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc trong thời gian vừa qua?
Cũng nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (21/6/1925 - 21/6/2024) sắp tới, ông có gửi lời chia sẻ gì tới các cơ quan báo chí?
- Ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
Chặng đường hơn 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đội ngũ những người làm báo đã đồng hành, vào cuộc trên tất cả các lĩnh vực, trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh Lào Cai năng động, phát triển đến với Nhân dân trong nước và thế giới. Những thành tựu trên các lĩnh vực của tỉnh Lào Cai trên chặng đường 30 năm qua có sự đóng góp của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan báo chí Trung ương và những người làm báo.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai, tôi xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đội ngũ những người làm báo.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai, tôi xin chúc Báo Kinh tế & Đô thị nói riêng và các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo trên mọi miền Tổ quốc nhiều sức khỏe, bút sắc, lòng trong cống hiến cho độc giả những tác phẩm xuất sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chúc tỉnh Lào Cai sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức và sớm hoàn thành các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội đề ra!
Duy Anh thực hiện