5 việc cần làm để phòng ngừa đột quỵ lúc giao mùa
Kiểm soát bệnh nền, ăn uống khoa học, tạo thói quen sinh hoạt tốt... là những cách giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ vào thời điểm giao mùa.
Thực phẩm làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ bạn nên tránh xa
6 thói quen dễ gây đột quỵ khi nắng nóng và cách phòng ngừa
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn leo cầu thang bộ mỗi ngày?
Kiểm soát bệnh nền
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên những người mắc bệnh nền về tim mạch như cao huyết áp, mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, rung nhĩ... hay các vấn đề chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu sẽ có nguy cơ cao. Những đối tượng này cần kiểm soát bệnh tốt ở thời điểm giao mùa do thời điểm này dễ làm mạch máu co giãn, dễ khiến tình trạng chuyển nặng.
Với người cao huyết áp cần kiểm soát huyết áp ở mức an toàn dưới 140/90 mmHg. Người bệnh cần uống thuốc huyết áp đúng và đủ liều. Nếu sau một thời gian uống thuốc không thấy cải thiện, cần đến khám lại, tránh dừng hoặc tự ý đổi thuốc. Ngoài ra việc điều chỉnh chế độ ăn cũng sẽ giúp ổn định huyết áp lâu dài.
Ngoài ra, bệnh nhân có vấn đề tim mạch như nhồi máu cơ tim, mạch vành, suy tim... và đặc biệt bị rung nhĩ cần uống thuốc chống đông máu định kỳ, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông gây đột quỵ não.
Người bị mỡ máu cần uống thuốc ổn định mỡ máu và điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như tập thể thao, kiểm soát cân nặng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: internet)
Chế độ ăn khoa học
Chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố góp phần phòng ngừa đột quỵ não. Các thực phẩm bổ não, bổ máu, cải thiện lưu thông máu nên được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày như cà chua, nghệ, tỏi, củ dền, củ cải đường, trái cây họ cam quýt, hạt óc chó...
Người bệnh cũng nên thường xuyên ăn rau xanh hay trái cây tươi, các loại hạt, đồng thời thay thế các loại thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như thịt gia cầm, thịt cá.
Với người bị tim mạch nên ăn giảm muối bớt đường, hạn chế tẩm ướp gia vị. Hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều lần hoặc thức ăn nhanh. Những thực phẩm này đều chứa lượng lớn cholesterol, ăn quá nhiều sẽ làm gia tăng mỡ máu xấu, tăng hình thành các mảng xơ vữa động mạch, nguy cơ đột quỵ não. Các loại đồ uống chứa ga, cồn như nước ngọt, rượu bia cũng nên tránh, giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Theo Tổ chức Đột quỵ châu Âu, cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể cứu sống nhưng tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân do phần lớn người thân không nhận biết được dấu hiệu để đưa người bệnh đến đúng bệnh viện chuyên khoa điều trị. Do đó, mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần mỗi năm để có thể phát hiện sớm, bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách.
Không rượu bia, thuốc lá
Thường xuyên sử dụng các chất kích thích là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến đột quỵ. Một kết quả được nghiên cứu từ Đại học London và Đại học Hong Kong chỉ ra rằng, mỗi ngày một điếu thuốc sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 48%. Bỏ thuốc lá từ 2-5 năm, tỷ lệ đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa từng hút thuốc. Cũng theo đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đăng tải trên tạp chí Stroke rằng những người uống trung bình 2 ly rượu một ngày (hơn 3 đơn vị rượu/ngày) có nguy cơ đột quỵ cao hơn 34% với những người uống trung bình ít hơn nửa ly/ngày.
Vì thế, bạn cần từ bỏ rượu, bia, thuốc lá ngay từ bây giờ nhằm phòng tránh căn bệnh đột quỵ cực kỳ nguy hiểm này.
Duy trì tập thể dục đều đặn
Theo Boldsky (trang báo của Ấn Độ), tập thể dục sẽ giúp bạn có cuộc sống khỏe mạnh. Vận động thể chất đều đặn sẽ giúp bạn đốt cháy calo, giữ cho huyết áp ổn định, giảm nguy cơ đột quỵ.
Tùy vào quỹ thời gian cá nhân, mỗi người có thể chọn cho mình chế độ tập thể dục hợp lý, tối thiểu 5 lần/tuần, 30 phút/lần tập. Dành cho người cao tuổi sẽ có các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập thiền/thở, dưỡng sinh... Với những người trẻ, có thể lựa chọn các môn thể thao có cường độ cao hơn như chạy, tập gym, nhảy dây, aerobics, cử tạ… tùy theo thể trạng.