Bệnh nhân người Pháp bị gãy xương hàm hiếm gặp được phẫu thuật thành công tại Việt Nam
Bệnh nhân người Pháp 16 tuổi, bị té ngã khi du lịch cùng gia đình tại Việt Nam, xương hàm dưới bị gãy lệch vào trong, trật khớp thái dương hàm hai bên, không nói được và miệng không thể ngậm kín...vừa được phẫu thuật thành công bởi các bác sĩ Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh: “Loạn” giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, Bệnh viện FV đôn giá cao gấp 4,3 lần
Bị thai phụ tố “tắc trách”, Bệnh viện FV nói gì?
Bệnh viện FV xét nghiệm Covid-19 với giá "trên trời": Hơn 5 triệu đồng/lần test PCR nhanh SAR-CoV-2
Ngày 17/9, nguồn tin từ Bệnh viện FV (số 6, Nguyễn Lương Bằng, Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) xác nhận bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho thiếu niên người Pháp bị gãy xương hàm phức tạp và hiếm gặp.
Theo đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Khoa Nha và Phẫu thuật Hàm Mặt Bệnh viện FV cho biết, đa số tai nạn ngã đập mặt thường gãy xương vùng cằm, hoặc kèm theo gãy một bên xương hàm, nhưng bệnh nhân vừa bị gãy xương vùng cằm, vừa bị gãy cả hai bên xương hàm dưới, mức độ di lệch vào trong, trật khớp nghiêm trọng như trường hợp này khá hiếm gặp.
Hình chụp CT của bệnh nhân H.D.R trước khi phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện FV cung cấp
"Trường hợp này buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ dễ dẫn đến các biến chứng gây khít hàm, cứng khớp và để lại những di chứng liên quan đến chức năng vận động hàm cũng như thẩm mỹ cho bệnh nhân" - bác sĩ Tùng nói và nhấn mạnh, bệnh nhân người Pháp nhập viện cấp cứu trong tình trạng không nói được, không nuốt được, miệng cũng không thể ngậm kín. Bệnh nhân bị chóng mặt, buồn nôn vì chấn thương đầu nên được theo dõi sinh hiệu 2 ngày trước khi phẫu thuật.
Tiên lượng ca mổ phức tạp vì vùng bị chấn thương có rất nhiều dây thần kinh, mạch máu, nếu phẫu thuật không khéo dễ dẫn đến biến chứng sau mổ, gây liệt mặt, méo miệng và xương gãy không được nắn chỉnh vào đúng vị trí vốn có của nó trước khi bị gãy. Nếu không may xương gãy di lệch gây tổn thương mạch máu lớn sẽ gây chảy máu rất khó cầm.
Hình chụp CT sau phẫu thuật của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện FV cung cấp
Ca mổ kéo dài nhiều giờ, bệnh nhân không mất nhiều máu, sau mổ, vùng phẫu thuật không cần đặt ống dẫn lưu, bệnh nhân hồi tỉnh, đáp ứng tốt và không gặp biến chứng gì, kể cả các dấu hiệu liệt mặt tạm thời sau mổ. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo và được gặp gia đình.
"Thông thường thời gian bình phục của một ca chấn thương xương là từ 4 – 6 tháng. Tuy nhiên, do chấn thương của bệnh nhân khá phức tạp nên cần cố định hàm thêm để ổn định khớp cắn trong khoảng một tuần" - bác sĩ Tùng cho hay.
Điều may mắn, bệnh nhân chỉ mới 16 tuổi, xương còn phát triển nên khả năng hồi phục nhanh hơn.