Bổ sung vitamin A đợt 1 cho hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc
Năm 2024, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2024, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng.
4 thực phẩm kết hợp với sữa chua giúp giảm cân nhanh và tốt cho sức khỏe
Lý do khiến bạn tăng cân trở lại sau khi giảm cân thành công
Những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp ngăn chặn bệnh gan
Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao; Bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi tại 32 tỉnh, thành phố còn lại; Kết hợp thực hiện tẩy giun cho trẻ em từ 24 tháng đến 59 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố khó khăn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel - Hoa Kỳ viện trợ. Trong chiến dịch đợt 1, dự kiến có hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc được uống bổ sung Vitamin A.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hàng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 59 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12).
Ngày 7/5/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 2340/BYT-BMTE gửi các địa phương tổ chức chiến dịch hướng dẫn cho các tỉnh/thành phố để tiến hành tổ chức chiến dịch cho trẻ uống viên nang Vitamin A kết hợp với tẩy giun năm 2024.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.
Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế.