Cách phòng tránh sốc nhiệt ở trẻ khi chơi thể thao ngoài trời
Để tránh trẻ bị sốc nhiệt khi chơi thể thao ngoài trời, ba mẹ nên lưu ý những điều dưới đây:
4 thực phẩm kết hợp với sữa chua giúp giảm cân nhanh và tốt cho sức khỏe
Lý do khiến bạn tăng cân trở lại sau khi giảm cân thành công
Những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp ngăn chặn bệnh gan
Uống đủ nước
Để phòng các vấn đề sức khỏe do nhiệt, cần cho trẻ ăn, uống để bù đủ lượng nước, muối khoáng bị mất theo mồ hôi. Trong những ngày nắng nóng, lưu ý cho trẻ dưới 6 tháng bú mẹ nhiều lần hơn (và mẹ cũng phải uống nước nhiều hơn); trẻ từ 6 tháng trở lên có thể cho uống thêm nước đun sôi để nguội sao cho trẻ đi tiểu ít nhất từ 6 đến 8 lần mỗi ngày.
Khi trẻ tự uống được thì nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên, nhất là khi chơi đùa hoặc vận động thể lực. Để có đủ muối khoáng (natri, kali, magnesium), cho trẻ uống canh rau có thêm chút muối hoặc nước trái cây như nước cà chua. Muối cung cấp natri, các loại rau quả cung cấp kali.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Chế độ ăn uống cân bằng
Cơ thể trẻ mất khoáng chất khi tập luyện gắng sức dưới trời nóng bức. Do đó, cho trẻ ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để có thể đối phó tốt hơn với thời tiết nắng nóng.
Tránh tập luyện vào những giờ nóng nhất
Nên luyện tập vào buổi sáng hoặc chiều muộn/tối. Thời điểm từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều thường là những giờ nắng nóng nhất. Nên nghỉ giải lao 10 phút giữa giờ tập. Vào những ngày nóng nhất nên hủy các hoạt động ngoài trời.
Nếu buộc phải tập luyện ngoài trời nắng nóng, trước đó vài ngày cần để trẻ làm quen dần với mức nhiệt cao. Tránh tập liên tục quá 1 tiếng dưới ánh nắng. Nên ngừng tập ngay nếu trẻ khó chịu và đưa trẻ vào chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi.
Tránh mặc quần áo tối màu
Quần áo tối màu giữ nhiệt nên càng làm tăng thân nhiệt khi tập luyện ngoài trời. Do đó, nên cho trẻ mặc quần áo màu trắng hoặc sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
Nghỉ ngơi hợp lý
Nên nghỉ giải lao sau mỗi 15 phút luyện tập. Điều này giúp cơ thể trẻ có thời gian tản nhiệt và hấp thụ nước.
Bôi kem chống nắng
Khi hoạt động ngoài trời bên cạnh che chắn cho trẻ cẩn thận, cần thiết có thể bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Với các trẻ có bệnh lý chàm, viêm da cơ địa cần bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên với lượng ít và mỏng trên da để tránh gây bít tắc các lỗ chân lông.
Lưu ý, một số loại thuốc điều trị bệnh có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ. Do đó, các bậc cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc trẻ đang dùng để tránh mối nguy do nhiệt có thể gây ra cho trẻ.
Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ những trẻ thừa cân, vóc dáng không cân đối, ít đổ mồ hôi… khi luyện tập trong thời tiết nắng nóng.
Xử trí sốc nhiệt ở trẻ như thế nào?
- Làm mát cơ thể: Đưa trẻ vào nơi mát mẻ, thông thoáng, cởi bỏ quần áo thấm mồ hôi và chườm mát cho trẻ.
- Uống nước: Cho trẻ uống nước, duy trì mỗi 15 phút/lần cho đến khi trẻ thấy đỡ hơn.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng hơn cần báo ngay cho dịch vụ cấp cứu 115 hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Hướng dẫn trẻ vận động đúng cách vào mùa hè
Những ngày nắng nóng không nên ngăn cấm trẻ hoạt động, trẻ nhỏ vẫn cần hoạt động thể lực để phát triển hệ cơ xương và tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng. Nhưng lo ngại vận động trong thời tiết nắng nóng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe do nhiệt gây ra.
Hướng dẫn trẻ vận động mùa hè đúng cách như sau:
- Không cho trẻ vận động ở cường độ cao.
- Hướng dẫn trẻ vận động theo hướng tăng dần cường độ theo ngày để trẻ thích nghi với môi trường, thời tiết nắng nóng của mùa hè.
- Dừng vận động ngay khi trẻ có các dấu hiệu mệt, xây xẩm, mờ mắt, buồn nôn, nôn ói,... Lập tức đưa trẻ vào chỗ mát, cho trẻ uống đủ nước.
- Nếu trẻ có biểu hiện bị sốc nhiệt, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở cấp cứu và xử lý kịp thời.
Sốc nhiệt vào mùa hè ở trẻ không thể chủ quan. Vì vậy, phụ huynh có thể tham khảo những cách phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ khi trời nắng nóng ở trên để bảo vệ sức khỏe trẻ tốt nhất trong mùa hè.