Cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa là hiện tượng viêm nhiễm các mô thuộc vùng tai giữa, thường hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và cả người lớn.
Đà Nẵng: 7 du khách nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm
TP Hồ Chí Minh đã có thuốc điều trị tay chân miệng
Cách phân biệt các loại viêm tai thường gặp
Viêm tai giữa là bệnh gì?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Tai giữa có nhiệm vụ truyền các rung động từ màng nhĩ đến tai trong qua chuỗi xương con. Thông qua đó, mọi người có thể nghe thấy âm thanh và nhận thức được các âm thanh mà bản thân đang nghe.
Viêm tai giữa là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ do cấu trúc tai phức tạp và sức đề kháng của trẻ còn yếu nên dễ bị tác nhân có hại tấn công. Đây là sự tổn thương và viêm nhiễm xảy ra ở trong tai giữa do một số loại vi khuẩn, nấm… có hại hoặc do yếu tố bên ngoài môi trường tác động tới.
Hiện nay, có hai dạng viêm tai giữa thường gặp là viêm cấp tính và viêm có dịch tiết. Có khoảng 75% trẻ em dưới 3 tuổi bị viêm tai giữa ít nhất một lần trong đời và có khoảng 50% trẻ trong số này bị viêm tai từ 3-4 lần trở lên.
Viêm tai giữa nguy hiểm thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, hiện là giám đốc Bệnh viện An Việt, vào thời điểm giao mùa, các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em gia tăng đáng kể. Rất nhiều trẻ bị các bệnh như viêm amidan, viêm mũi họng và đặc biệt là viêm tai giữa. Những ngày qua, Bệnh viện An Việt ghi nhận rất nhiều trẻ nhập viện vì bị viêm tai giữa. Có cháu bị rất nặng, phải nằm viện điều trị dài ngày.
Theo PGS Hoài An, viêm tai giữa đặc biệt thường gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi. Vào mùa thu đông, tỷ lệ trẻ mắc viêm tai giữa còn cao hơn nhiều so với những thời điểm khác.
Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa thường phát sinh sau những đợt viêm mũi họng, có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, tạo dịch mủ trong tai giữa.
Một số triệu chứng của viêm tai giữa có thể kể đến gồm:
Đau trong tai và nhiều khi đau rất nặng.
Giảm khả năng nghe, cảm giác ù tai, nặng tai khó chịu.
Người bệnh bị sốt, trẻ nhỏ có thể bị sốt cao trên 39 độ C.
Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, khó ăn uống, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, khó ngủ…
Chảy mủ trong tai.
Viêm tai giữa ban đầu là thể cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời, lâu ngày sẽ làm tổn thương niêm mạc tai và trở thành viêm tai giữa mạn tính.
Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ âm/từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh... làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
"Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do viêm tai, viêm tắc tĩnh mạch bên do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt", PGS Hoài An cho biết.
PGS Hoài An cho biết thêm viêm tai giữa cấp có thể tái diễn nhiều lần nếu không được điều trị đúng phác đồ, quy trình. Trẻ cần được thăm khám bởi đúng bác sĩ chuyên khoa và tại các cơ sở y tế uy tín. Chính vì vậy, việc điều trị dứt điểm là rất quan trọng.
Phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh nếu chưa có đơn của bác sĩ và không tự chữa bằng những cách truyền miệng. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ tốt để tăng sức đề kháng và nhanh phục hồi trong quá trình điều trị.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân, Nguồn ảnh: BVAV
Cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa
Trên thực tế, phương pháp vệ sinh hàng ngày quyết định đến 50% khả năng phục hồi bệnh của trẻ. Muốn vệ sinh tai thật sạch, cha mẹ cũng cần làm sạch những khu vực khác như: Mũi, họng,... vì đây là 2 bộ phận nối trực tiếp với tai. Bạn có thể tham khảo những phương pháp sau:
Cách vệ sinh tai
Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ hãy vệ sinh tai cho bé theo những bước sau:
Bước 1: Bạn sử dụng khăn mềm, lau xung quanh vành tai của trẻ.
Bước 2: Xoắn nhẹ một góc khăn rồi lau nhẹ nhàng vùng ống tai ngoài. Bạn chú ý không cố gắng ấn khăn vào quá sâu bên trong tai của trẻ.
Bước 3: Có thể nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào gạc hoặc tăm bông rồi lau sạch phần tai ngoài để tránh dịch bẩn chảy ra ngoài.
Bước 4: Lau khô tai của trẻ, tránh để nước vào bên trong tai khiến vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong tai rồi phát triển gây viêm nhiễm nặng hơn.
Lưu ý là cần chọn sản phẩm tăm bông chất lượng, lành tính để tránh làm tổn thương thêm vùng tai của trẻ.