Gia đình 6 người nhập viện do ăn phải nấm độc, 1 người đã tử vong
Sáng ngày 24/2, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân là H.C.L. (37 tuổi) và H.T.B. (40 tuổi) có chẩn đoán ngộ độc nấm độc, nhập viện hôm 20/2/2023.
Cục ATTP cảnh báo ngộ độc thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên
Bộ Y tế: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nấm tự nhiên
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương triển khai gấp 3 biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu
Theo thông tin người nhà bệnh nhân cho biết, sáng ngày 17/2/2023, các anh em họ trong cùng gia đình (thường trú tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đi vào rừng kiểm tra đàn bò của gia đình, nhìn thấy nấm đẹp, ngon nên hái về nấu canh. Cả gia đình 8 người cùng ăn vào lúc 11 giờ ngày 18/2.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Sau ăn khoảng 12 tiếng, 6 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục. Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Mai Châu sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. 4 người tình trạng ngộ độc nhẹ hơn, đang được điều trị tại đây. Hai trường hợp nặng hơn, được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân H.C.L (37 tuổi) và H.T.B (40 tuổi) được chuyển đến Trung tâm vào ngày thứ 2 sau khi ăn phải nấm độc, trong tình trạng còn đau bụng, tiêu chảy vẫn rất nhiều, mất nước nặng, nhiễm toan chuyển hóa, viêm gan nặng. Bệnh nhân H.C.L. còn bị sốc giảm thể tích nặng, các dấu hiệu nhiễm toan, tổn thương gan, suy thận nặng hơn, lại có thêm tổn thương nhiều ở ruột, tụy, tim, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tim cấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực, giải độc, điều trị sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương…
Hiện bệnh nhân H.T.B. đã tỉnh táo, có thể tiếp xúc được, tình trạng bắt đầu có xu hướng cải thiện. Bệnh nhân H.C.L. tiến triển nặng hơn, suy đa tạng và tử vong sáng sớm 22/2/2023.
Theo bác sĩ Nguyên, căn cứ các đặc điểm ngộ độc, đây điển hình là vụ ngộ độc nấm loại chứa độc tố amatoxin, ở Việt Nam có thể gặp các loài như nấm độc tán trắng (Amanita verna), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa).
Trong số các loài nấm độc, loài nấm độc này có hình thức rất trông lành tính, trắng đẹp rất dễ nhầm với nấm không độc. Tuy nhiên, đây lại là các loài nấm độc nhất thế giới, trái với suy nghĩ của nhiều người là các nấm hoặc sinh vật độc phải có hình thức xấu xí, sặc sỡ hay đe dọa.
Độc tố chính của các loài nấm này là amatoxin. Đây là chất cực độc, gây độc trực tiếp với vật liệu di truyền của tế bào, ngăn cản tổng hợp protein cấu trúc nên tế bào do đó các tế bào của cơ thể không thể phân chia, nhân lên để tạo thành tế bào mới thay thế cho các tế bào già cỗi, do không có tế bào mới thay thế nên cơ quan đó sẽ bị tổn thương, giảm và ngừng hoạt động.
Các cơ quan có tốc độ thay mới tế bào nhanh hơn sẽ bị tổn thương nhiều hơn, với độc tố này đích phổ biến sẽ là niêm mạc dạ dày, ruột, gan, thận.
Về nguyên tắc, tất cả các cơ quan của cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng nếu lượng độc tố quá lớn. Độc tố thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan, trường hợp nặng có thể tổn thương tất cả các cơ quan.
Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6 - 40 giờ (thường là 12 - 18 giờ) theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1 với biểu hiện dạ dày ruột: Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.
Sau đó, ngộ độc chuyển sang giai đoạn 2 với các biểu hiện âm thầm, biểu hiện tiêu hóa hết hoặc giảm hẳn. Bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi (có thể chủ quan xin ra viện). Tuy nhiên, sau khi trải qua thêm 1-2 ngày ở giai đoạn này sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với biểu hiện tổn thương và suy các tạng: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.
“Trường hợp bệnh nhân H.C.L. khả nặng ngộ độc liều lớn dẫn tới tổn thương và suy đa tạng ồ ạt nhanh chóng, không chỉ gan thận mà còn cả dạ dày ruột, tụy và tim. Một vẫn đề nguy hiểm nữa là do biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn quá 6 giờ sau khi ăn, tức là khi nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố đang được hấp thu. Khi đó, bệnh nhân dù có nôn, bác sỹ có rửa dạ dày cũng không có tác dụng”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Thời điểm mùa Xuân - mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc nấm. Thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Loại nấm độc trên mặc dù độc nhất nhưng ngoài có hình thù hấp dẫn, trông trắng, sạch, có vẻ lành tính nhất, ăn cũng ngọt và ngon.
Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. Các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Do vậy, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn. Với nấm mọc hoang dại, có lẽ duy nhất chỉ có mộc nhĩ là ít khi nhầm lẫn với nấm độc.
Vì vậy, chuyên gia chống độc khuyến cáo: Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng; không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy.
“Bản thân đã từng ăn nấm mọc hoang không bị ngộ độc cũng không có nghĩa là bạn sẽ không sao nếu ăn tiếp. Động vật ăn thử không bị ngộ độc nhưng khi con người ăn vào vẫn có thể bị ngộ độc như thường. Trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời”, Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.