Giáp Tết, nhiều trẻ mắc cúm A diễn biến nặng

(Tieudung.vn) - Theo Bệnh viện Nhi Trung ương,thời điểm giáp Tết số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Giáp Tết, nhiều trẻ mắc cúm A diễn biến nặng

Giáp Tết, nhiều trẻ mắc cúm A diễn biến nặng
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương,thời điểm giáp Tết số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Tại Việt Nam, miền Bắc đang trong mùa đông xuân, gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bộ Y tế ghi nhận các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, kể cả một số bệnh có vaccine dự phòng cũng tăng ở nhiều tỉnh, thành.

Giáp Tết, nhiều trẻ mắc cúm A diễn biến nặng

Trẻ bị cúm A dễ dễ lây cho người xung quanh. Nguồn ảnh: Shutter

Thực tế, hai tuần gần đây, các bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mọi lứa tuổi đến khám, chủ yếu mắc cúm A, trong đó nhiều ca suy hô hấp nặng, phải thở máy. Đơn cử, số ca cúm A vào Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng so với trước. Đầu tháng 1, nơi này đang điều trị hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng. Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có khoảng 100-150 trẻ được chẩn đoán mắc cúm, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Phần lớn trẻ mắc cúm nhập viện điều trị do bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hai nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. "Cúm A đang vào mùa, một phần do diễn biến thời tiết rét muộn của năm nay", bác sĩ Phúc nói, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan. Tiêm vaccine phòng cúm hằng năm, hạn chế đến nơi đông người, đảm bảo vệ sinh là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.

Đại diện phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng), cho biết số bệnh nhân mắc cúm tăng nhưng không bất thường bởi đây là thời điểm giao mùa. thay đổi thất thường, thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.

giám sát cho thấy các chủng virus cúm hiện lưu hành ở Việt Nam vẫn là virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B... Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc A/H7N9.

Trường hợp chị Nguyễn Liên Hương, Hoàng Mai, Hà Nội đưa con đến một phòng khám tư. Bác sĩ soi họng, mũi cho rằng bé bị viêm amidan vì amidan to lên. Tuy nhiên, khi uống thuốc bệnh không có dấu hiệu đỡ mà bé ngày càng mệt, li bì hơn. Chị cho bé vào bệnh viện xét nghiệm thì dương tính với cúm A.

Bé Lê A. K. con gái chị Nguyễn Thị Hoà – Nam Trung Yên, Hà Nội cũng sốt cao, đau họng. Chị Hoà nghĩ con bị viêm amidan nên chủ quan. Khi tình trạng của bé sốt cao, kèm co giật, chị mới cho con vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, bác sĩ cho biết bé bị cúm chứ không phải viêm amidan.

PGS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc BV Đa khoa An Việt cho biết, số trẻ vào khám vì cúm A tăng. Cha mẹ cho con đến khám đều nghĩ trẻ bị viêm mũi họng thông thường nhưng xét nghiệm là tác nhân cúm. Triệu chứng ban đầu khi nhiễm cúm A tương tự như bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…

Ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Với trẻ em còn mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể khó thở và biến chứng khác.

Với triệu chứng viêm amidan, trẻ khô họng, hơi thở có mùi do các vi khuẩn tích tụ và các dịch mủ tồn đọng trong hố amidan gây tắc nghẽn, thường đi kèm với một số triệu chứng như hơi thở có mùi, khô họng, ngứa họng, cảm giác họng có dị vật.

Một số trẻ còn khó khăn trong việc nuốt, giọng nói không rõ ràng, hệ hô hấp không thông thoát hoặc ngáy khi ngủ. Nếu như amidan phì đại quá mức có thể gây ra việc rối loạn cộng hưởng hơi thở, tiếng nói và việc nuốt.

Amidan và vòm miệng cuống lưỡi xuất hiện hiện tượng xuất huyết, trong hốc miệng thấy chấm mủ trắng, hoặc vàng. Bệnh nhân có hạch bạch huyết trong cổ, đặc biệt là hạch bạch huyết ở thành sau hàm dưới đỏ, sưng to và đau. Lượng tế bào bạch huyết tăng đáng kể.

Các phản ứng khác như sốt, khó tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sút cân, đau đầu và một số triệu chứng khác. Hầu hết trẻ bị viêm amidan phát hiện sớm có thể điều trị dễ dàng bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, triệu chứng rõ ràng và nguy hiểm thì bác sĩ sẽ xem xét can thiệp y tế hỗ trợ, có thể phải cắt amidan.

BS An cho biết đa số những trẻ mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, nhưng vài trường hợp biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.

Biến chứng viêm phổi thường gặp ở trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Cúm A cũng có thể biến chứng gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu.

PGS An khuyến cáo khi thấy trẻ sốt tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra do tác nhân viêm amidan hay do cúm khi dịch cúm đang bùng phát như hiện nay.

Giáp Tết, nhiều trẻ mắc cúm A diễn biến nặng

PGS An khám cho bệnh nhi. Nguồn ảnh: BVAV

Thời gian tới là dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp...