Hà Nội: Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) thời gian tiếp theo, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo cơ sở vật chất, các trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”.
Phòng ngừa bệnh dễ mắc cho trẻ vào mùa hè
TP Hồ Chí Minh: Chỉ đạo khẩn sẵn sàng ứng phó dịch bệnh kép
Chăm sóc bà bầu khi bị sốt xuất huyết
UBND TP Hà Nội đã có thông báo số 445/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.
Theo đó, ngày 26/9, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Vũ Thu Hà chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.
Nhận định tình hình dịch bệnh SXH, TP ghi nhận và biểu dương các sở, ngành của TP và các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai chỉ đạo của UBND TP trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH một cách kịp thời, quyết liệt.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cùng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai.
Tuy nhiên, do tình hình thời tiết phức tạp, số ca SXH tại Hà Nội tăng nhanh. Theo dự báo, số ca mắc tiếp tục tăng mạnh vào các tháng 10, 11/2023. Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh SXH thời gian tiếp theo, UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện nội dung:
Các sở, ngành TP và quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công tại các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.
Nhận thức rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo cơ sở vật chất, các trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH (nguồn lây bệnh, nguy cơ mắc bệnh, dấu hiệu mắc bệnh).
Về công tác thông tin tuyên truyền, cấp TP: UBND TP giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp Sở Y tế và đơn vị liên quan tham mưu dự thảo Kế hoạch truyền thông của UBND TP về dịch bệnh SXH.
Cấp quận, huyện, thị xã: Căn cứ Kế hoạch truyền thông của UBND TP, xây dựng Kế hoạch triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức, truyền thông phù hợp tới từng hộ gia đình, người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH đảm bảo một cách hiệu quả.
UBND TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát tham mưu dự thảo Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên người của TP, phân công các đơn vị và thành viên chịu trách phụ trách các địa bàn đảm bảo hiệu quả.
Sở Y tế tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo TP tiếp tục kiểm tra thực tế, đột xuất về công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Đồng thời, TP yêu cầu Sở Y tế liên hệ, phối hợp các đơn vị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo để yêu cầu bệnh viện bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm.
Cùng với đó, Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm tiếp tục điều trị bệnh nhân nặng, tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám, chữa bệnh về công tác chuyên môn, sớm nhận biết dấu hiệu bệnh nặng để chuyển tuyến điều trị kịp thời.
Đơn vị thực hiện giao ban công tác chuyên môn, bình bệnh án bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong (nếu có). Tổ chức đi chỉ đạo tuyến cho các cơ sở khám chữa bệnh có điều trị SXH. Khuyến cáo người dân đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị, không tự điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của cơ quan y tế.
Bên cạnh đó, UBNT TP yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các nhà trường phối hợp cơ sở y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Đối với các quận, huyện, thị xã báo cáo Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, HĐND, UBND phụ trách địa bàn kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng vật dụng”.
Đảm bảo các vật dụng phế thải không chứa nước đọng, không bọ gậy, loăng quăng, muỗi phát triển tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các khu làng nghề, khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình, khu nhà thuê trọ học sinh, sinh viên đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Các địa phương tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, các đơn vị liên quan phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường. Thu gom phế thải, phế liệu tại các công trình xây dựng, khu chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy, khu nhà ở công nhân nhằm đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH.