Làm sao để giảm đau nhức chân khi trời lạnh?

(Tieudung.vn) - Đau nhức chân khi trời lạnh làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của người bệnh. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây.

Làm sao để giảm đau nhức chân khi trời lạnh?

Làm sao để giảm đau nhức chân khi trời lạnh?
Đau nhức chân khi trời lạnh làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của người bệnh. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây.

Xoa bóp

Mục đích của phương pháp này là làm nóng khớp và tăng cường quá trình lưu thông máu, từ đó giảm đau hiệu quả và nhanh chóng hơn. Để tăng thêm hiệu quả, bạn có thể kết hợp xoa bóp với dầu gừng hoặc khuynh diệp hay một số loại rượu thuốc.

Làm sao để giảm đau nhức chân khi trời lạnh?

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Xoa dầu hoặc chườm nóng

Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng do trời lạnh, cần làm nóng hoặc ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu hoặc chườm nóng. Với việc chườm nóng, bệnh nhân có thể dùng khăn ấm hoặc túi chườm đặt lên vùng bị đau, nên chườm mỗi lần khoảng 15-20 phút và không nên chườm quá nóng tránh bỏng da. Một lưu ý quan trọng là không xoa dầu và chườm nóng lên vùng khớp viêm cấp với các biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau.

Bổ sung dưỡng chất nuôi sụn khớp

Quá trình thoái hóa sụn khớp là không thể tránh khỏi nhưng cũng hoàn toàn có thể phòng và làm chậm quá trình này bằng những tiến bộ y học hiện nay. Thay vì đợi đến khi đau nặng mới điều trị, người bệnh có thể cung cấp các dưỡng chất phù hợp để nuôi dưỡng và giúp tái tạo mô sụn tại các khớp. Theo đó, người bệnh nên ăn các chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ...

Khi thời tiết vào đông hoặc mưa lạnh, nhiều bệnh nhân thường quên uống nước, khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, tăng quá trình viêm và khiến sụn khớp dễ tổn thương, gây đau nhức nhiều hơn. Do đó, ngay cả khi trời lạnh, người bệnh cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết (khoảng 2-2,5 lít nước/ngày), ưu tiên uống nước ấm.

Hạn chế ăn một số loại thực phẩm như các loại đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản.

Tắm nước nóng

Đây cũng là một phương pháp đơn giản giúp bạn giảm đau xương khớp trong mùa lạnh. Lưu ý, chỉ nên tắm trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút và không nên tắm quá muộn.

Giữ ấm cơ thể, nhất là ở một số vị trí như đầu gối hay bàn chân

Không chỉ giúp giảm đau nhức chân hiệu quả, đây cũng là phương pháp phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, tình trạng nhiễm khuẩn và tránh làm suy giảm hệ miễn dịch.

Thường xuyên vận động

Khi trời lạnh, nhiều người có xu hướng lười vận động, thích ngồi hoặc nằm yên một chỗ. Tuy nhiên, khi khớp vốn đã tê cứng do ảnh hưởng thời tiết, cộng thêm ít vận động sẽ khiến khớp thêm căng cứng, giảm tiết dịch nhờn, sụn khớp và xương dưới sụn không được nuôi dưỡng sẽ làm tăng cảm giác đau và đẩy nhanh quá trình hư tổn, thoái hóa khớp.

Vì vậy, người bệnh nên duy trì vận động nhẹ nhàng, vừa sức kết hợp tập 5-10 phút/lần, 2-3 lần/ngày với các động tác phù hợp như yoga, dưỡng sinh. Điều này nhằm duy trì sự cung cấp các dưỡng chất cần thiết đến sụn khớp, hạn chế tình trạng cứng, dính khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân xương khớp nên tránh vận động mạnh hoặc tập các bài tập quá sức gây ra ngược, đồng thời nên hạn chế tập các môn ngoài trời như đi bộ, đạp xe vào những ngày trời lạnh hoặc có gió.

Sử dụng sản phẩm giảm đau an toàn

Nếu áp dụng các biện pháp hỗ trợ trên nhưng không cải thiện, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn (OTC) để giảm đau. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. Tuyệt đối không lạm dụng, tự ý tăng liều vì có thể gây nguy hại cho sức khỏe.