Lợi ích của việc tập thể dục với phụ nữ mang thai
Việc tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn và phù hợp trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Sống healthy bắt đầu từ những điều giản dị
Các vấn đề thường gặp về da khi vào hè và cách khắc phục
Cách tạo thói quen tập thể dục cho người bận rộn
Lợi ích của việc tập thể dục với phụ nữ mang thai
Theo nhiều nghiên cứu, việc tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn và phù hợp trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Nguồn ảnh: Internet
Lợi ích cho mẹ:
Khi vận động, cơ thể tiết ra chất endorphin đem lại cảm giác hưng phấn, giúp mẹ bầu cảm thấy vui vẻ, dồi dào sinh lực, vượt qua tâm trạng lo lắng, căng thẳng khi mang thai.
Cải thiện tuần hoàn, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp cơ thể chịu đựng tốt hơn, sinh con dễ dàng hơn.
Giúp tăng cân hợp lý, kiểm soát tốt trọng lượng của thai nhi, đồng thời sớm hồi phục vóc dáng và sức khỏe sau khi sinh.
Làm giảm các triệu chứng khó chịu của thai kỳ như đau lưng, táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Giải phóng năng lượng dư thừa, giúp ngủ sâu và ngon hơn.
Giảm nguy cơ tiểu đường và tăng huyết áp thai kỳ.
Ít bị sinh non và dễ sinh con tự nhiên hơn.
Quá trình sinh con sẽ diễn ra nhanh hơn và hồi phục sau sinh nhanh hơn.
Lợi ích cho bé
Vận động giúp tăng cường lượng oxy đưa vào máu thai nhi, làm tăng quá trình trao đổi chất của bé, giúp bé phát triển tốt hơn.
Chất endorphin đem lại cảm giác hưng phấn cho mẹ bầu cũng qua nhau thai đến với bé, giúp bé thư giãn, sảng khoái.
Các môn thể thao an toàn trong thai kỳ
Bơi lội
Bơi lội là một trong những môn thể thao lý tưởng cho phụ nữ mang thai. Nguồn ảnh: Internet
Bơi lội là một trong những môn thể thao lý tưởng cho phụ nữ mang thai, giúp cải thiện độ săn chắc của cơ và tăng sức bền. Đây là bài tập thể dục ít tác động đến khớp và dây chằng vì nước hỗ trợ cơ thể. Môn thể thao này cũng có thể cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn và giúp bạn ngủ ngon hơn.
Nếu bạn đã quen với việc bơi lội trước khi mang thai, bạn có thể dành khoảng 4 ngày một tuần, mỗi ngày 30 phút. Nếu bạn là người mới làm quen hoặc chưa từng bơi nhiều, hãy bắt đầu từ từ với 15 phút mỗi lần và xây dựng dần dần thói quen này.
Bài tập yoga
Yoga được xem là một liệu pháp nhẹ nhàng, có thể mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần cho phụ nữ mang thai. Tập luyện yoga đúng cách trong thai kỳ sẽ giúp khớp dẻo dai, hạn chế chấn thương và giúp cơ thể săn chắc toàn diện. Hơn thế, yoga cũng giúp cải thiện tinh thần minh mẫn và tập trung hơn.
Tuy nhiên, không phải tư thế yoga nào cũng an toàn cho phụ nữ mang thai. Nếu là người lần đầu tiếp xúc với yoga, tốt nhất bạn nên đăng ký tham gia các lớp học dành cho phụ nữ mang thai để được các huấn luyện viên hướng dẫn và chỉnh sửa các động tác trong khi tập.
Đi bộ
Đi bộ là hình thức tập luyện đơn giản, dễ dàng giúp tăng cường hoạt động cho tim và phổi mà không làm đau đầu gối hay mắt cá chân.
Bạn có thể bắt đầu xây dựng thói quen đi bộ với 15 phút mỗi ngày và tần suất 3 lần trong tuần. Khi quen với nhịp độ này, hãy tăng thời gian lên 30 phút và tần suất 4-5 lần mỗi tuần.
Để việc đi bộ thêm thú vị, hãy đi dạo cùng gia đình hoặc bạn bè. Điều này có thể giúp kéo dài thời gian và duy trì động lực đi bộ trong thời gian dài hơn.
Đừng quên trang bị cho mình một đôi giày và bộ đồ thoải mái, uống đủ nước để tránh mất nước cho cơ thể.
Pilates
Tương tự như yoga, tập pilates cũng có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, linh hoạt và cân đối hơn nhờ một loạt các chuyển động kéo giãn nhẹ nhàng, phối hợp giữa các bộ phận.
Các bài tập pilates có tác dụng tăng cường cơ bụng, cơ lưng và cơ sàn chậu, đây là những vùng có thể bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai và sau sinh.
Việc thư giãn và kiểm soát nhịp thở cũng rất quan trọng cho thai kỳ và quá trình chuyển dạ. Vì vậy, đây là môn thể thao tuyệt vời để thực hiện khi mang thai. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai không nên tự tập luyện pilates tại nhà. Thay vào đó, bạn nên tập luyện cùng người hướng dẫn để đảm bảo việc tập luyện an toàn, hiệu quả.
Những lưu ý khi vận động đối với mẹ bầu:
Trước khi thực hiện các bài tập, nên xin tư vấn của bác sĩ sản khoa đang theo dõi để đưa ra các bài tập cũng như mức độ tập phù hợp với sức khỏe bạn và từng thời điểm của thai kỳ, nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé.
Thời gian mang thai không phải là thời điểm thích hợp để bạn tăng cường vận động, mà chỉ nên áp dụng những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức.
Không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực, có nhiều va chạm hay dễ ngã, gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé.
Giữ tinh thần thoải mái khi tập thể dục. Cần khởi động trước khi vận động và thư giãn sau khi vận động. Khi thấy mệt cần nghỉ ngơi.
Những dấu hiệu khiến bạn phải ngưng luyện tập và tham khảo ý kiến của bác sĩ: Đau đầu, chóng mặt; Nhịp tim không đều hoặc nhanh bất thường; Khó thở, hụt hơi; Chảy máu âm đạo; Co thắt tử cung; Thai cử động ít hơn bình thường