Mẹ nhỏ tinh dầu tỏi để chữa viêm mũi khiến trẻ nhập viện
Thời tiết giao mùa nhiều mẹ truyền tai nhau cách nhỏ tinh dầu vào mũi trẻ để khỏi ngạt có thể gây ra hậu quả khó lường.
6 cách không tốn kém vẫn giúp con cải thiện IQ cao
Đình chỉ cơ sở Đông Y bấm huyệt Y học Cổ Phương hoạt động không phép
6 lưu ý cho người đái tháo đường khi trời lạnh
Phù nề, sưng mũi vì tỏi
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi là một phương pháp chữa bệnh dân gian phổ biến được nhiều mẹ truyền tai nhau để áp dụng cho con tại nhà.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thị Hoài An – chuyên khoa tai mũi họng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, bà gặp rất nhiều trẻ bị bỏng mũi chỉ vì mẹ nhỏ tinh dầu tỏi vào mũi.
Ví dụ như trường hợp mới đây nhất đó là bé Nguyễn A.V – 13 tháng tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội mẹ đưa vào khám trong tình trạng mũi phù nề, cuống mũi cũng sưng đỏ. Bé khóc, quấy.Theo mẹ của bé vì con bị ngạt mũi nhất là đêm ngủ bé khịt khịt mũi phải thở bằng mồm, khô họng bé lại ho.
Mẹ của bé lên mạng xã hội vào một nhóm chia sẻ cách nuôi con và được nhiều mẹ nói lấy tinh dầu tỏi nhỏ vào mũi con. Cách đơn giản là lấy tỏi bóc sạch rồi đem tỏi băm nhuyễn cho vào khăn xô của trẻ, ép lấy vài gọt tinh dầu rồi nhỏ vào mũi của trẻ để trị viêm mũi, ngạt mũi.
Sau khi nhỏ nước ép tỏi vào mũi của con, bé khóc, quấy nhưng mẹ của bé vẫn tin sẽ hết ngạt mũi. Sáng hôm sau ngủ dậy thấy mũi con đỏ, sưng phù nề, bé quấy khóc mẹ vội đưa vào khám bác sĩ.
Trường hợp của bé con chị Đỗ Thanh Hà – Hà Nội cũng tương tự. Thấy con nghẹt mũi mẹ của bé lên mạng học cách xay tỏi nát rồi trộn vào lọ nước muối sinh lý nhỏ vào mũi con. Sau đó 30 – 40 phút sẽ lấy dụng cụ hút mũi ra để hút dịch mũi.
Tuy nhiên, sau khi nhỏ dung dịch trên vào mũi, bé quấy khóc. Chị Hà vẫn cố nhỏ tiếp và 30 phút sau chị Hà lấy dụng cụ hút mũi cho con thì phát hiện mũi bé đỏ, niêm mạc mũi sưng, hai vách mũi cũng phù nề như bịt kín lỗ mũi bé.
Chị Hà lo lắng mang con tới bác sĩ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, niêm mạc mũi của bé bị kích ứng mạnh vì sức nóng, cay từ tỏi.
PGS An cho biết tỏi có chứa chất allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Trong dân gian, người ta cũng thường giã tỏi vắt lấy nước để nhỏ mũi, hoặc pha với nước ấm để xông mũi khi bị cảm và viêm xoang. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra qui trình điều trị một cách có khoa học và liều lượng cụ thể mà chỉ đưa ra theo kiểu truyền miệng cho nhau và tự làm.
Trong khi đó, người lớn có thể chịu được còn với trẻ nhỏ, PGS An cho biết trẻ niêm mạc mũi rất mỏng.
Nước ép từ tỏi lại nóng, cay, nhất là nước tỏi đậm đặc. Do đó, nhỏ nước tỏi ép không đúng cách sẽ rất nguy hiểm, có thể làm bỏng niêm mạc mũi.
Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu không phát hiện điều trị sớm, có thể gây hoại tử da. Hơn nữa, khi bỏng rộp niêm mạc mũi, trẻ sẽ khó thở bằng đường mũi, buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi.
PGS An cho biết trẻ niêm mạc mũi rất mỏng. Nguồn ảnh: BVAV
Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa?
Hầu hết bệnh diễn tiến lành tính, ít gây biến chứng nếu chúng ta biết chăm sóc và theo dõi đúng cách.
Nhằm phòng các bệnh lúc giao mùa, cũng như cách chăm sóc trẻ khi mắc bệnh, dưới đây là những nguyên tắc mà cha mẹ cần biết.
Nguyên tắc 1: Chú ý đến chế độ ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Một chế độ ăn khoa học là rất cần thiết với trẻ nhỏ. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch vững vàng. Ba mẹ nên chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản.
Ngoài ra, ba mẹ nên tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều rau quả, uống nước ép trái cây có màu vàng, cam, đỏ như: Cam, cà rốt, cà chua… nhằm bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C cũng góp phần rất quan trọng tăng cường hệ miễn dịch của con.
Nguyên tắc 2: Cần thay đổi sinh hoạt cho trẻ khi giao mùa
Do thời tiết thất thường kèm theo ẩm thấp, mưa gió, việc thay đổi sinh hoạt cho trẻ là cần thiết. Cụ thể.
- Cần giữ ấm cho trẻ: Các mẹ cần lưu ý trang phục cho trẻ trong ngày để đảm bảo thân nhiệt. Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm, chú ý phần cổ, tay, chân.
- Cần chú ý đến vệ sinh cho trẻ: Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ, việc vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng hết sức lưu ý như: Cắt móng tay chân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
- Cần cho trẻ ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con được ngủ đủ 9 - 12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật: Những sợi lông từ chó, mèo hay từ chăn gối, vỏ đệm… không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho, hen suyễn…
Nguyên tắc 3: Nếu trẻ mắc bệnh cần chăm sóc đúng
Khi trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, ho, nôn ói và tiêu lỏng. Ngoài việc cho trẻ đi khám, cha mẹ cần chăm sóc đúng cách.
- Nếu trẻ sốt: Ba mẹ cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, lau mát cho trẻ và nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.
- Nếu trẻ ho: Ho không phải là dấu hiệu xấu, ho là phản xạ phòng vệ tự nhiên của cơ thể giúp tống xuất đàm nhớt, virus, vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp. Nguyên nhân ho thường gặp ở trẻ em là viêm hô hấp trên do virus, do đó triệu chứng này sẽ đỉnh điểm vào ngày 2 - 3 của bệnh và kéo dài 10 - 14 ngày.
Để làm giảm cơn ho của trẻ, đối với trẻ dưới 12 tháng, các mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ trên 12 tháng các bố mẹ có thể cho con dùng ½ muỗng cà phê mật ong trước khi ngủ 30 phút, sẽ giúp làm giảm cơn ho và ít thức giấc về đêm.
- Nếu trẻ nôn ói và tiêu lỏng: Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày ruột do siêu vi hay còn gọi là tiêu chảy cấp. Việc sử dụng thuốc chống nôn ói và cầm tiêu chảy là không được khuyến cáo. Nếu trẻ chỉ ói và tiêu lỏng ít, cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá. Tình trạng nôn ói sẽ cải thiện trước, tình trạng tiêu lỏng sẽ ổn sau 5 - 7 ngày. Nếu thấy trẻ nôn và tiêu lỏng ngày càng nhiều thì nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.