Nam sinh bị đứt lìa phế quản gốc phổi trái được cứu sống
Nam sinh lớp 10 bị đứt lìa phế quản gốc của phổi trái do tai nạn giao thông đã được các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật, cứu thành công.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Bán thuốc qua hình thức livestreams là vi phạm pháp luật
Cách để hấp thụ đủ vitamin D trong mùa đông
Làm sao để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết?
Chiều 11/1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực vừa phẫu thuật cấp cứu, cứu thành công nam sinh lớp 10 bị đứt lìa phế quản gốc của phổi trái do tai nạn giao thông.
Trước đó, ngày 1/1, bệnh nhân N.Q.T. (15 tuổi, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tai nạn giao thông, được đưa đến bệnh viện tuyến dưới xử trí ban đầu và chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, chấn thương ngực bụng, tràn khí, tràn máu màng phổi 2 bên đã dẫn lưu tại tuyến dưới, đứt lìa phế quản gốc của phổi trái gây suy hô hấp, chèn ép phổi, tim.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng khẩn cấp làm các xét nghiệm, chụp CT và chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực phối hợp cùng khoa Cấp cứu và khoa Gây mê hồi sứ thực hiện mở cấp cứu lồng ngực, xử trí tổn thương đứt lìa phế quản gốc phổi trái cho bệnh nhân.
Tổn thương đứt lìa phế quản gốc phổi trái này cách chỗ chia đôi của khí quản - phế quản 0,5cm, nằm sâu, che khuất bởi động mạch phổi, quai động mạch chủ, tổn thương phức tạp, mất tổ chức, bầm dập. Ê kíp mổ phải cắt lọc tiết kiệm, sử dụng mảnh ghép là màng ngoài tim để tạo hình lại mặt sau của phế quản gốc trái, tránh tình trạng hẹp phế quản sau này.
Sau hơn 3 giờ, ê kíp phẫu thuật đã phục hồi thành công phế quản gốc trái cho bệnh nhân. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đi lại, ăn uống, hô hấp bình thường, X.Quang phổi nở tốt và được xuất viện.
Bác sĩ Chuyên khoa I Phan Phước An Bình, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trường hợp bệnh nhân T. là chấn thương rất nặng và hiếm gặp trong bệnh cảnh chấn thương ngực. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời ở tuyến dưới (đặt dẫn lưu màng phổi 2 bên) thì nguy cơ tử vong rất cao. Hơn nữa, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ suy hô hấp liên tục, tiến triển xấu sẽ dẫn đến tử vong.