Người bị sốt xuất huyết nên kiêng gì?

(Tieudung.vn) - Người bệnh sốt xuất huyết cần có chế độ ăn uống đúng cách để nhanh hồi phục.

Người bị sốt xuất huyết nên kiêng gì?

Người bị sốt xuất huyết nên kiêng gì?
Người bệnh sốt xuất huyết cần có chế độ ăn uống đúng cách để nhanh hồi phục.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Người bị sốt xuất huyết nên kiêng gì?

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Nguồn ảnh: Internet 

Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại. Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vi rút Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em, bệnh gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có 2 mức độ bệnh là sốt xuất huyết thể nhẹ và sốt xuất huyết thể nặng. Tùy vào từng mức độ sẽ có những biểu hiện khác nhau. 

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết thể nhẹ bao gồm: Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,… 

Người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nặng

Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng dưới đây. (2)

Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.

Chảy máu mũi hoặc ở chân răng.

Nôi ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).

Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.

Người mệt mỏi li bì, choáng.

Khi người bệnh không may chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.

Ăn uống đúng cách khi bị sốt xuất huyết 

Theo Chuyên gia dinh dưỡng - BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bị sốt xuất huyết cần đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng sau:

Bù nước

Theo vị chuyên gia này, do đặc tính của là bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống sẽ kém đi. Đặc biệt, một số trường hợp người bệnh bị sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây tình trạng cô đặc máu, cho nên trong chế độ ăn uống cho người sốt xuất huyết quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol.

Người bệnh có thể uống thêm các loại nước như nước trái cây, nước hoa quả ép như cam, ổi, dừa... chứa nhiều chất khoáng và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn, từ đó giảm tình trạng bệnh.

Ăn thức ăn loãng

BS Lê Thị Hải khuyến cáo, bệnh nhân cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. "Không nên ép người bệnh ăn cơm, đồ cứng khó nuốt"- BS Hải khuyên.

Đặc biệt với trẻ em bị sốt xuất huyết, BS Hải cho biết, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất. Nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Đồng thời phụ huynh cần tích cực bổ sung các giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra khi trẻ bị sốt xuất huyết, nếu đã khỏi sốt và chơi bình thường thì cần tuân thủ theo chế độ ăn bình thường. Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, tùy theo độ tuổi của trẻ mà có "trả bữa" đúng cách. Điều này có nghĩa là trẻ bú mẹ thì mẹ phải tăng cường dưỡng chất, nếu trẻ ăn dặm thì ăn "trả bữa" bổ sung cho bé để bù lại lượng dinh dưỡng bị mất đi trong thời gian bé ốm.

"Thời gian mới ốm dậy, trẻ có thể ăn chưa ngon miệng, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn ra, cho ăn các loại cháo, soup bù năng lượng thiếu hụt, tăng số bữa lên… Phụ huynh cần kiên trì luân phiên thay đổi món ăn, nấu các món hợp khẩu vị trẻ. Bên cạnh đó cần ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất... giúp trẻ tăng cường sức khỏe"- BS Hải đưa ra lời khuyên.

Hạn chế thực phẩm chiên, xào

BS Hải cho biết, với người bệnh sốt xuất huyết cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu.