Người cao tuổi nên ăn gì trong mùa thu để nâng cao sức khỏe?
Thời điểm giao mùa, trong điều kiện thời tiết thất thường, lúc nắng nóng rồi lại chuyển mưa, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi ngày càng kém đi và dễ bị ảnh hưởng những tác động của thời tiết khiến nguy cơ mắc bệnh càng cao. Dưới đây là những thực phẩm người cao tuổi nên ăn để tăng cường sức khỏe.
Trao tặng 6 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo
Uống sữa tươi như thế nào cho hiệu quả và an toàn sức khỏe?
Làm thế nào để chọn "bánh Trung Thu" an toàn cho sức khỏe?
Tăng cường rau xanh và trái cây
Để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, nhất là thời tiết mùa thu khô hanh, người cao tuổi nên ăn nhiều rau tươi, các loại đậu đũa, đậu Hà Lan, trái cây chín. Mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh, 100g trái cây chín tươi.
Ăn rau tươi, trái cây chín vừa cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi như các vitamin và khoáng chất, đồng thời góp phần tăng cảm giác no, dẫn đến hạn chế ăn nhiều cơm.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ăn nhiều cá, đậu, vừng lạc
Tình trạng thiếu đạm rất dễ xảy ra ở người cao tuổi do khả năng tiêu hóa hấp thu chất đạm giảm. Các loại thực phẩm cung cấp nguồn chất đạm thực vật từ đậu tương như: đậu phụ, sữa đậu nành, lạc, vừng... rất cần được bổ sung vào khẩu phần ăn cho người cao tuổi.
Nên ăn ít nhất 3 bữa cá trong tuần. Để có thêm canxi đề phòng loãng xương ở người cao tuổi thì nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để ăn được cả xương.
Uống đủ nước
Người cao tuổi thường ít có cảm giác khát nước nhưng không phải vì thế mà hạn chế uống nước trong ngày. Mỗi ngày cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước sẽ giúp thận hoạt động tốt, bài tiết các chất cặn bã tốt hơn đồng thời làm giảm táo bón.
Uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa (như phô mai và sữa chua các loại) đều là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho người cao tuổi, như protein, chất béo, canxi, vitamin A, vitamin B12 và vitamin D.
Đặc biệt, canxi là khoáng chất cần thiết để giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa bệnh loãng xương, hỗ trợ chức năng của hệ thần kinh và cơ bắp. Trong khi, vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi được hiệu quả hơn, nhờ đó góp phần quan trọng vào việc củng cố xương chắc khỏe.
Những thực phẩm nên tránh
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho sức khỏe thì dưới đây là các loại thực phẩm người cao tuổi nên cắt giảm, hạn chế hoặc có thể tránh bổ sung cho cơ thể.
Các món nướng, thức ăn chiên rán quá kỹ
Ở người cao tuổi, bộ máy tiêu hóa trở nên suy yếu, nên khi ăn các món nướng, thức ăn rán kỹ sẽ rất khó tiêu hóa. Các món rán kỹ còn là nhóm thực phẩm giàu năng lượng, có thể gây tích trữ mỡ, béo phì.
Những loại thức ăn giàu năng lượng khó tiêu gây ảnh hưởng đến hoạt động của não, quá trình phát triển xương và làm tăng rủi ro mắc các bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm, đặc biệt là bệnh ung thư , đái tháo đường.
Nội tạng, tiết động vật
Đây là những thực phẩm có nhiều cholesterol, nếu ăn nhiều sẽ gây bệnh tăng huyết áp, Gut, mỡ máu cao, tim mạch và đái tháo đường.
Tiết sống như tiết canh hoặc uống tiết sống, tiết pha rượu không tốt cho sức khỏe người cao tuổi vì nguy cơ gây ngộ độc, nhiễm khuẩn gây bệnh, tăng huyết áp.
Giảm ăn thịt, giảm mỡ, giảm muối
Trong chế độ ăn của người cao tuổi cần giảm lượng thịt, giảm các món ăn chứa nhiều mỡ. Đối với các chất béo cần hạn chế, nếu sử dụng quá nhiều gây nên các vấn đề sức khỏe nhất là những người có vấn đề tim mạch, mỡ máu. Thay vào đó nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật. Mỗi người cao tuổi không nên ăn vượt quá 1,5 kg thịt/tháng, mỡ dưới 600g, đường dưới 500g.
Ngoài ra, các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa cà muối, cá mặn, nước mắm cũng nên hạn chế trong bữa ăn hàng ngày.
Đồ uống có cồn
Người cao tuổi đang có các bệnh mạn tính như đái tháo đường hoặc sử dụng một số loại thuốc: thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau, thuốc điều trị tăng huyết áp nên tránh hoàn toàn việc uống rượu bia.