Những hệ lụy sức khỏe khi thời tiết nắng nóng và cách phòng tránh
Nắng nóng làm thân nhiệt tăng đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi có thể dẫn đến phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức, thậm chí sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ.
Cắt giảm sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn uống, điều gì sẽ xảy ra?
Ra mắt thực phẩm bảo vệ sức khỏe Liver- HK
Dùng cam thảo hàng ngày có tốt cho sức khỏe?
Phát ban
Những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài dễ bị kích thích làm xuất hiện mẩn ngứa, mề đay, sau một thời gian sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Ngứa nhiều, bạn có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, sau đó cơ thể tự điều chỉnh và các triệu chứng sẽ biến mất. Lưu ý: Cần phân biệt giữa phát ban do nhiệt và bỏng. Cơ thể tiếp xúc với nắng quá lâu có thể dẫn đến bỏng làm cho vùng da tại đó bị đỏ, sưng rộp.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Chuột rút
Bệnh thường xuất hiện ở người lao động nặng hay vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao dễ gây ra chuột rút do nhiệt.
Biểu hiện của bệnh là cảm giác đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở bắp đùi, cẳng chân. Triệu chứng này xuất hiện khi người bệnh hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi, dẫn đến tình trạng co thắt cơ gây đau. Trường hợp này có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng. Lưu ý: Nếu chỉ cho bệnh nhân uống nước lọc thì không đủ đáp ứng được tình trạng mất muối và nước của cơ thể. Do vậy cần bổ sung các loại nước chứa muối khoáng như dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh pha muối, đường… Sau khi nghỉ ngơi, bù nước, các triệu chứng sẽ tự giới hạn và biến mất.
Ngất xỉu
Tình trạng này thường gặp ở những người đi du lịch mùa hè, phải ra ngoài nắng nhiều hoặc leo núi, di chuyển, tập quân sự… khiến cơ thể mất muối và nước. Tình trạng này kéo dài đến một giai đoạn nào đó làm nước trong lòng mạch máu giảm, giảm huyết áp, đặc biệt bệnh nhân ở tư thế đứng sẽ giảm lưu lượng máu lên não gây ngất xỉu.
Sơ cứu trong trường hợp này rất quan trọng. Cho người bệnh nằm đầu thấp, di chuyển đến vùng không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng. Theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện.
Sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt)
Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, khiến nhiệt độ cơ thể tăng vọt, làm quá tải hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tình trạng tăng thân nhiệt kéo dài gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến hệ tim mạch, gan, thận, đặc biệt là hệ thần kinh.
Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 40 độ C, kèm các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê..
Khi có triệu chứng trên, cần sơ cứu tạm thời cho bệnh nhân bằng cách đặt họ nằm đầu thấp. Di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người trong nước mát vài phút. Dùng gạc hoặc khăn thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vị trí có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Đồng thời gọi cấp cứu 115 để chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay.
Làm thế nào để phòng ngừa
Hãy làm theo những lời khuyên sau để tránh nóng và giữ nước, làm mát cơ thể, phòng ngừa các tình trạng nguy hiểm liên quan đến nhiệt (nắng nóng):
- Mặc quần áo nhẹ, sáng màu và rộng rãi.
- Dành nhiều thời gian trong nhà với các thiết bị làm mát (điều hòa, quạt…) khi thời tiết nắng nóng. Hạn chế sử dụng bếp và lò nướng để giữ cho ngôi nhà mát mẻ hơn.
- Hạn chế các hoạt động ngoài trời khi nắng nóng: Chỉ nên thực hiện vào buổi sáng và buổi chiều tối khi trời mát hơn. Nếu bạn đang tập thể dục hoặc chơi thể thao, hãy thường xuyên nghỉ ngơi trong bóng râm.
- Lưu ý khi tập thể dục: Hãy dừng lại ngay nếu tim đập mạnh, khó thở hoặc cảm thấy lâng lâng. Tìm ngay đến chỗ mát mẻ, nghỉ ngơi và bổ sung đủ nước.
- Hãy che chắn bản thân khỏi ánh nắng mặt trời: Trước khi ra ngoài, hãy bôi kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF ít nhất là 30, đồng thời đội mũ và che nắng. Cháy nắng khiến cơ thể khó hạ nhiệt hơn và có thể khiến bạn mất nước.
- Theo dõi thời tiết cảnh báo nhiệt độ hàng ngày để có cách phòng tránh.
- Nếu bạn đang bắt đầu một công việc mới hoặc hoạt động khác đòi hỏi phải gắng sức trong điều kiện nắng nóng, hãy tiếp xúc với nhiệt độ nóng dần dần trong 2 hoặc 3 ngày để cơ thể quen dần.
- Khi trời nóng, hãy uống nhiều nước hoặc chất lỏng khác hơn bình thường, ngay cả khi bạn không hoạt động nhiều.
- Cắt giảm đồ uống có đường hoặc cồn vì chúng có thể dẫn đến mất nước.
- Nói chuyện với bác sĩ trước khi uống đồ uống thể thao nếu bạn theo chế độ ăn ít muối hoặc mắc bệnh đái tháo đường, huyết áp cao hoặc các tình trạng sức khỏe khác…