Những việc cần làm để giảm nhẹ triệu chứng khi mắc cúm

(Tieudung.vn) - Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa có cách điều trị cúm mùa triệt để, chỉ có các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn.

Những việc cần làm để giảm nhẹ triệu chứng khi mắc cúm

Những việc cần làm để giảm nhẹ triệu chứng khi mắc cúm
Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa có cách điều trị cúm mùa triệt để, chỉ có các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn.

Người bệnh cúm cần nghỉ ngơi

Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này; cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,… để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi.

Những việc cần làm để giảm nhẹ triệu chứng khi mắc cúm

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Vệ sinh mũi sạch sẽ

Người bệnh cúm cần vệ sinh mũi sạch sẽ. Trước hết đặt một ngón tay lên cánh mũi, ấn nhẹ để bịt kín lỗ mũi và thở mạnh ra bằng lỗ mũi còn lại để hỉ mũi. Sau đó dùng nước muối sinh lý rửa mũi để đẩy chất dịch nhầy ra ngoài. Đồng thời, nước muối có sát khuẩn mũi, làm mềm niêm mạc mũi, làm lỏng chất dịch nhầy, dễ đẩy ra ngoài.

Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Khi mắc cúm thường chán ăn do vậy cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Có thể ăn phở, cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Nếu là trẻ cần tăng cường uống sữa, trẻ còn bú mẹ thì tăng cường bú mẹ. Cần ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung đủ vitamin giúp tăng sức đề kháng. Các bữa ăn cần cung cấp đủ thịt, cá để đảm bảo đủ protein cho cơ thể khỏe mạnh.

Lưu ý, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm

Không nên sinh hoạt, làm việc, học tập chung hoặc tiếp xúc gần với người khác mà bạn nghi ngờ họ đang bị nhiễm cúm mà không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh cũng cần ý thức tự cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người xung quanh. Tốt nhất nên ở riêng trong phòng/ tại nhà ít nhất 24 tiếng kể từ thời điểm hết sốt.

Uống nhiều nước ấm nóng

Khi bị cúm cần chú ý uống nhiều nước ấm, nóng sẽ giúp tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Ngoài ra cũng có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong cùng chanh với nước nóng để làm tăng hiệu quả điều trị cúm.

Bởi bệnh cúm có thể khiến cơ thể mất nước, háo nước cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể với nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống bổ sung chất điện giải.

Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn nên uống nước với từng ngụm nhỏ. Nên quan sát màu sắc của nước tiểu, khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu chứng tỏ cơ thể đã được cung cấp đủ nước.

Cần giữ vệ sinh thật tốt

Cần làm sạch bề mặt vật dụng, thường xuyên lau sạch, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà, văn phòng, nơi công cộng có khả năng cầm nắm nhiều như tay nắm cửa, , đồ chơi, mặt bàn,… cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng trong 30s hoặc sử dụng nước rửa tay khô.

Ngoài ra, cần tập thể dục đều đặn: Người có thói quen vận động, thể dục thể thao hằng ngày thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm cúm.

Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,… Khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói …cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.