Tác hại khôn lường của việc ngậm ti giả ở trẻ
Rất nhiều bà mẹ cho rằng núm vú giả là một vật dụng rất kỳ diệu bởi nó giúp đánh bay những cơn cáu kỉnh gắt ngủ của trẻ. Tuy nhiên, việc ngậm ti giả cũng mang lại rất nhiều tác hại khôn lường. Dưới đây là những nguy cơ tiềm ẩn của việc ngậm ti giả đối với trẻ.
Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang không ổn
Những công dụng tuyệt vời của vỏ chuối đối với sức khỏe
Ngủ dậy thấy mệt mỏi là cảnh báo vấn đề gì?
Khiến trẻ lười bú
Các nghiên cứu cho thấy, khi chăm sóc trẻ sơ sinh nếu cho trẻ ngậm ti giả sớm và thường xuyên trong một thời gian kéo dài có thể dẫn đến tình trạng chán bú ở trẻ, gây đầy hơi, chướng bụng. Vì ti giả có cấu tạo giống hệt ti mẹ, nên khi trẻ ngậm, trẻ vẫn có những động tác mút, nuốt hơi… Điều này dẫn đến trẻ sẽ hút nhiều hơi vào bụng, khiến trẻ bị đầy hơi, no bụng dù chưa ăn gì, từ đó dẫn đến việc trẻ chán bú.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Thực tế cho thấy việc cho trẻ ngậm ti giả thường xuyên sẽ khiến trẻ lười bú mẹ, mất cảm giác ngon miệng khi bú mẹ và buộc phải cai sữa sớm hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi. Việc cai sữa sớm sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, phải tập ăn sớm nên dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa, thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.
Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
Trong quá trình ngậm ti giả nếu giữ vệ sinh không tốt dễ làm trẻ bị viêm họng, tiêu chảy. Bởi trên thực tế khi trẻ ngậm ti giả có thể bị rơi ra khỏi miệng mà không được làm sạch sẽ dễ bị các loại vi khuẩn tấn công vào cơ thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm.
Ảnh hưởng đến cấu trúc hàm
Với những trẻ dưới 1 tuổi việc ngậm ti sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng đối với cấu trúc hàm. Tuy nhiên, ở những trẻ trên 1 tuổi khi răng của trẻ bắt đầu mọc nhiều thì việc ngậm ti thường xuyên có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng răng mọc lệch, lệch hàm, trề môi gây mất thẩm mỹ. Các ghi nhận cho thấy trẻ dùng ti giả trong thời gian dài còn khiến răng cửa của trẻ dễ bị thưa, mọc lệch, bị vẩu hàm trên, lệch khớp cắn... do đặc trưng của động tác mút liên tục.
Khiến trẻ chậm nói
Việc ngậm ti giả hàng giờ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc tập nói của trẻ bị chậm lại, những cảm xúc như vui, buồn cũng bị kiềm chế. Vì lúc nào ti giả cũng đặt trên môi, nên trẻ rất khó thực hành cử động môi, miệng, lưỡi khi nhìn người lớn nói chuyện trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Từ đó, việc tập nói của trẻ sẽ khó khăn hơn và còn ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ khi trẻ ít tương tác, cười đùa, bi bô với bố mẹ hoặc người thân vì mải ngậm ti.
Bị phụ thuộc
Do ngậm ti đã trở thành một thói quen nên khi không có ti giả trẻ sẽ trở nên cáu gắt, quấy khóc, bực bội, không chịu chơi, không chịu ngủ, bỏ bữa… nếu đã quen với việc ngậm ti giả thì hành trình cai ti giả cho con của các bậc cha mẹ cũng rất gian nan.
Lưu ý khi dùng ti giả
Ti giả hữu ích nhất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Những rủi ro của việc sử dụng núm vú giả có thể tăng sau khi trẻ được 2 tuổi.
Không nên cho trẻ dùng khi dưới 1 tháng tuổi, bởi đây là giai đoạn trẻ đang làm quen với ti mẹ hoặc ti bình. Nếu trẻ không có các thói quen trên thì phụ huynh không nhất thiết phải cho trẻ ngậm ti giả.
Mặc dù có rất nhiều tác hại song các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Cha mẹ chú ý không nên cho trẻ ngậm ti giả quá lâu. Thay vì cho trẻ ngậm cả ngày các mẹ có thể chỉ cho trẻ ngậm tại một số thời điểm như trước khi đi ngủ, trong khi chờ đợi mẹ pha sữa…
Chú ý sau khi mua về các mẹ chú ý phải luộc trong nước sôi để tiệt trùng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng các mẹ cần chú ý phải thường xuyên vệ sinh, khi ti giả bị rơi ra cần làm sạch trước khi đưa trở lại cho trẻ ngậm.
Cha mẹ nên lựa chọn những loại ti giả có kích thước phù hợp với khuôn miệng của trẻ để tránh tình trạng môi trề, ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm gây mất thẩm mỹ.
Lựa chọn loại ti giả đảm bảo chất lượng và an toàn, không gây độc hại cho trẻ. Khi trẻ quấy khóc hay khó chịu, hãy thử các phương pháp nhẹ nhàng khác trước khi cho trẻ ngậm ti giả. Chẳng hạn như thay đổi tư thế, đung đưa nhẹ nhàng, hoặc hát ru trẻ. Trước khi cho trẻ ngậm ti giả, hãy kiểm tra xem tã của trẻ có bị bẩn không và trẻ có bị đói không.