TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo nguy cơ xâm nhập cúm gia cầm H5N1 từ chợ đầu mối
Ngày 2/3, tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) nhận định, TP là nơi tập trung nhiều chợ đầu mối thu mua gia cầm từ nhiều tỉnh nên phải luôn cảnh giác cao nguy cơ xâm nhập.
TP Hồ Chí Minh: Lên phương án phòng chống cúm A (H5N1)
Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn 5 hoạt động phòng cúm H5N1
Uống gì để nhanh khỏi khi bị cảm cúm?
Ngày 2/3, tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga thông tin, cúm gia cầm H5N1 được đánh giá là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Theo phân loại bệnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, cúm này thuộc nhóm A, tức bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Do đó, phải luôn có tinh thần phòng chống với dịch cúm này.
“Người dân luôn cần có tinh thần phòng, chống bệnh cúm gia cầm H5N1; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa nấu chín kỹ, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với gia cầm” – bà Nga khuyến cáo.
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cảnh giác nguy cơ xâm nhập cúm gia cầm H5N1 từ các chợ đầu mối. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, lãnh đạo HCDC khẳng định, dịch cúm này chưa xuất hiện ở TP.
"TP từng ghi nhận 4 ca bệnh cúm A (H5N1) năm 2004, từ đó đến nay không phát hiện thêm ca nào. Mới đây có 1 ca tại tỉnh Phú Thọ. Cúm A (H5N1) chưa được coi là bệnh lưu hành ở TP" - bà Nga nói thêm.
Liên quan đến cúm gia cầm H5N1, sáng 2/3, HCDC đã phối hợp với Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn giám sát, phòng chống cúm cho tất cả trung tâm y tế quận, huyện và truyền trực tiếp đến y tế phường, xã.
Trước đó, khi nhận được thông báo của Viện Pastuer TP về 2 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia, trong đó 1 trường hợp tử vong, Sở Y tế liền có văn bản chỉ đạo các cơ quan y tế trực thuộc. Đồng thời, tham mưu UBND TP có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống khẩn cấp.
Riêng ngành y tế, Sở Y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng cúm gia cầm. Tại các cửa khẩu, ngành y tế tăng cường giám sát những người đến từ cụm dịch ở nước ngoài. Nếu phát hiện nghi ngờ sẽ khám và kiểm dịch chẩn đoán.
Trong nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt những người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm có triệu chứng nghi ngờ; đồng thời tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp trong cộng đồng. Khi phát hiện sẽ báo cáo để hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để đưa về khám, chẩn đoán kịp thời. Song song đó, báo cáo thông tin bệnh với HCDC để tiến hành điều tra khoanh vùng xử lý nếu có những yếu tố nguy cơ.
Đối với khối bệnh viện, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả tăng cường giám sát, chẩn đoán các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng và báo cáo HCDC khi phát hiện.
Đối với các trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, Sở Y tế yêu cầu chỉ đạo phối hợp tham mưu cho UBND quận, huyện kế hoạch phòng chống dịch cúm H5N1 trên địa bàn theo hướng dẫn chuyên môn của HCDC.