TP Hồ Chí Minh: Trong tháng 10 người cao tuổi sẽ được khám bệnh miễn phí
Ngày 2/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch tổ chức "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023" trong ngành y tế TP.
5 loại trà giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi
6 loại thuốc cần thận trọng dùng ở người cao tuổi
Người cao tuổi nên ăn gì trong mùa thu để nâng cao sức khỏe?
Theo đó, các hoạt động y tế được Sở Y tế thực hiện và tiếp tục triển khai trong tháng hành động vì người cao tuổi bao gồm: Khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí cho người cao tuổi tại địa phương.
Những người từ 60 tuổi trở lên sẽ được khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí. Các đối tượng được thăm khám không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Trong tháng 10 người cao tuổi sẽ được khám bệnh miễn phí. Ảnh minh họa
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện đa khoa TP, đa khoa khu vực quận, huyện phối hợp với các trạm y tế khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi của địa phương tại bệnh viện hoặc trạm y tế. Đối với người cao tuổi sức yếu, đi lại khó khăn, người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên thì tổ chức khám, tư vấn sức khỏe tại nơi cư trú tùy theo tình hình thực tế tại bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh viện bố trí nhân viên tiếp đón và hỗ trợ quá trình khám sức khỏe hoặc khám, chữa bệnh với người cao tuổi, đặc biệt quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ người cao tuổi sức yếu, khuyết tật, áp dụng hình thức ưu tiên, hỗ trợ khác.
Đối với các bệnh viện chuyên khoa, TP sẽ tăng cường tổ chức các đợt khám, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi nghèo khó, sống ở khu vực nông thôn, bị khuyết tật, không có lương hưu, bảo hiểm xã hội…
Trong thời gian tới, ngành y tế TP sẽ tiếp tục triển khai khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi (không phân biệt tạm trú hay thường trú) vào năm 2024 để phát hiện bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu)..., từ đó đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị theo chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dữ liệu khám sức khỏe sẽ được liên thông vào hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh không lây do WHO triển khai.
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng mô hình chăm sóc phục hồi chức năng cộng đồng; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường truyền thông về chiến lược khám sức khỏe người cao tuổi, truyền thông thay đổi suy nghĩ về mô hình chăm sóc phát hiện bệnh tại trạm y tế.
Theo số liệu thống kê năm 2022, TP Hồ Chí Minh có hơn 1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm 11,03% dân số của TP, cao xếp thứ hai trong cả nước và đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số.