14.000 hồ sơ đất đai trễ hẹn, TP.HCM vẫn 'tắc' khâu bồi thường khi thu hồi đất
Đẩy nhanh giải quyết hồ sơ đất đai và rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất là hai nhiệm vụ trọng tâm của Sở TN&MT Thành phố trong năm tới.
Mỗi tháng giải quyết 42.000 hồ sơ đất đai
Tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 20/12, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thành phố đã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ.
Hai vấn đề “nóng” được lãnh đạo Sở TN&MT Thành phố nêu lên là công tác giải quyết hồ sơ đất đai và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT, tổng hồ sơ đất đai được giải quyết trong năm nay đạt 502.990 hồ sơ, trung bình giải quyết 42.000 hồ sơ/tháng. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn bình quân 2,7%, tương ứng 14.000 hồ sơ.
14.000 hồ sơ đất đai ở TP.HCM trễ hẹn. |
Về hồ sơ đất đai đối với dự án, năm 2022, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND TP.HCM giải quyết hơn 133 dự án. Trong đó, các thủ tục pháp lý đã được giải quyết như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định giá đất. Hiện vẫn còn vướng mắc tại 49 dự án.
Theo ông Thắng, dù tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn tương đối thấp nhưng số lượng hồ sơ rất nhiều. Điều này cho thấy người dân vẫn chưa hài lòng với quy trình giải quyết thủ tục hồ sơ của sở, ngành liên quan.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND TP.HCM công bố bộ thủ tục lĩnh vực đất đai, triển khai phần mềm duyệt bản đồ để rút ngắn thời gian cho người dân, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ thực thi công vụ.
“Trong năm 2023, ngoài ba nhóm giải pháp trên, Sở sẽ tiếp tục chủ động đề xuất các nội dung xin thí điểm trước khi Luật Đất đai sửa đổi để có cơ sở giải quyết các vướng mắc hiện hữu”, ông Thắng nói.
Vướng mắc trong khâu bồi thường
Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 196 dự án đang thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án gặp khó khăn, cụ thể:
Các dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang chi trả bồi thường trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, theo quy định sẽ phải thực hiện theo phương án đã duyệt. Điều này gây khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng;
Thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn kéo dài; chưa đảm bảo có sẵn quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư trước khi thu hồi đất;
Các chính sách thường xuyên điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho người bị thu hồi đất nhưng không áp dụng cho các dự án đã duyệt phương án bồi thường trước đó. Có trường hợp giá bồi thường theo quy định mới lại thấp hơn quy định cũ;
Khối lượng việc kiểm đếm tài sản trên đất cũng như xác định pháp lý sử dụng đất rất nhiều và phức tạp, cán bộ thực thi cần nhiều thời gian để hoàn thành.
Để đẩy nhanh khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất, Sở TN&MT cho rằng giải pháp là trước khi thông qua chủ trương đầu tư dự án phải đảm bảo 6 điều kiện, gồm:
Dự án phải thuộc diện Nhà nước thu hồi đất; đảm bảo pháp lý về thu hồi đất; bố trí sẵn quỹ nhà đất phục vụ tái định cư trước khi thu hồi đất; đảm bảo vốn để chi trả tiền bồi thường kịp thời; có chính sách hỗ trợ việc làm cho người bị thu hồi đất.
Cuối cùng là thẩm định, phê duyệt theo giao dịch thực tế đối với giá đất cụ thể tính tiền bồi thường, hỗ trợ; giá đất để thu tiền sử dụng đất với nền đất ở tái định cư; giá bán, giá thuê mua, giá thuê căn hộ tái định cư.
Theo Anh Phương/Vietnamnet.vn