Bài 2 Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại

Xây dựng – Một quốc gia hưng thịnh là quốc gia mà các nhóm cộng đồng đều mạnh phải giữ được nét văn hóa giữ được bản sắc riêng vì nó là nền tảng căn cốt Bảo tồn một ngôi nhà hay không gian sống truyền th

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại

23:28 | 20/09/2024

(Xây dựng) – Một quốc gia hưng thịnh là quốc gia mà các nhóm cộng đồng đều mạnh, phải giữ được nét văn hóa, giữ được bản sắc riêng, vì nó là nền tảng căn cốt. Bảo tồn một ngôi nhà hay không gian sống truyền thống của mỗi dân tộc, không chỉ nằm trong giá trị bảo tồn tiện nghi sống mà còn là sự kết nối dòng chảy văn hoá, tâm linh minh triết của tổ tiên. Vẻ đẹp chân chất, mộc mạc từ cảnh quan đến con người của bà con đồng bào Tây Bắc chính là viên ngọc sáng của đại ngàn. Chỉ khi Tây Bắc hiểu được vẻ đẹp của chính mình, mới có thể đứng vững trước những xoay vần, thách thức của thời cuộc.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại
Những ngôi nhà truyền thống đã tự thích ứng trước sự thay đổi của thời cuộc. (Ảnh: Ngọc Hà)

Thách thức là điều tất yếu

Bản Bước (Hòa Bình) hay bản Sì Thâu Chải (Lai Châu) và rất nhiều bản làng ở Tây Bắc đã trở thành không gian sống quen thuộc, bao đời của người dân bản địa, được du khách trong và ngoài nước yêu thích đến trải nghiệm. Trong bản làng ấy, có những công trình xanh chưa được ghi danh; mỗi bản làng là một kho tàng văn hóa quý giá với không gian, cấu trúc đặc trưng riêng, kiến trúc nhà ở, tập quán sản xuất, các thiết chế văn hóa, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, rộng hơn là hàng xóm, cộng đồng…

Nhưng khi công nghệ thông tin bùng nổ, cuộc sống vận hành không ngừng, tiếp biến văn hóa diễn ra từng ngày, người bản địa họ cũng muốn tiếp cận và sử dụng những vật liệu mới vào ngôi nhà của mình cho hiện đại và chắc chắn hơn. Điều này giải thích rằng tại sao người dân miền núi không còn mặn mà giữ lại những nếp nhà truyền thống mà thay vào đó là những ngôi nhà ống, nhà cấp 4, nhà tầng mọc lên thay thế. Câu chuyện bảo tồn và khai thác công trình kiến trúc bản địa, mang yếu tố xanh, bền vững lúc này được đặt ra.

Việc bảo tồn là cần thiết, lưu giữ để thế hệ sau có cái nhìn về dòng chảy lịch sử, yêu nước và tự hào về truyền thống dân tộc. Nhưng bảo tồn, khai thác và phát triển các công trình này thế nào để phát huy hiệu quả bền vững mới quan trọng.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại
Sống trong ngôi nhà tiện nghi, khang trang như nhà xây, có kính hiện đại, có nhà vệ sinh khép kín là điều mà nhiều người dân bản địa ao ước. (Ảnh: D Home Hà Giang)

Nhận định về vấn đề này, KTS Bùi Quang Tiến, Công ty Cổ phần Kiến trúc TNT cho rằng, đứng ở góc độ tâm lý cho thấy, người dân miền núi sinh ra và lớn lên trong nhà sàn, nhà trình tường quen thuộc, nên với họ, không gian, ngôi nhà ấy không mới lạ, hấp dẫn. Họ giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, về xuôi, qua kênh thông tin trên ti vi, internet. Cho nên, họ cũng có ước mong sống trong ngôi nhà tiện nghi, khang trang như nhà xây, có kính hiện đại, có nhà vệ sinh khép kín.

Trong khi đó, ngôi nhà cũ mà họ đang sinh sống thì xuống cấp theo thời gian. Rừng bị cấm khai thác, vật liệu gỗ khan hiếm, nên không ít gia đình đã phá nhà sàn, xây nhà gạch. Nhà có điều kiện thì xây cao tầng, điều kiện ít hơn thì xây nhà cấp 4; còn nhà nào muốn giữ lại một phần truyền thống thì xây nhà sàn bằng bê tông.

Lý giải lý do người dân chưa mặn mà trong bảo tồn và khai thác các công trình xanh chưa xếp hạng, chưa ghi danh ấy, KTS Bùi Quang Tiến cho rằng: Người dân chưa hiểu hết giá trị ngôi nhà mình đang ở. Nếu họ hiểu, nhà sàn gỗ, nhà trình tường được làm từ vật liệu tự nhiên của địa phương, không sử dụng đinh ốc sắt, không sử dụng vật liệu nhân tạo hay các vật liệu công nghiệp, mà sử dụng gỗ, đất, cỏ cây, tre nứa… có năng lượng tốt, giúp con người sống trong đó có năng lượng tốt, ấm áp và bình an, mà vật liệu nhân tạo không có. Họ sẽ thấy trân trọng, biết ơn ngôi nhà mình đang có.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại
Du khách thích không gian hùng vĩ, những nếp nhà bình yên, ấm áp của núi rừng Tây Bắc. (Ảnh: Vũ Huyền)

Là một người có kinh nghiệm trải nghiệm văn hoá truyền thống ở nhiều quốc gia, ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại du lịch Ohdear Việt Nam chia sẻ: Con người muốn kết nối, hiểu nhau cần có chung ngôn ngữ. Cũng như vậy, một cộng đồng bản làng hay một gia đình cần có điểm kết nối chung. Và kết nối đầu tiên đó là ngôn ngữ, hay những gì gần gũi quen thuộc bên cạnh họ, là ngôi nhà hay không gian họ đang sống.

Trong ngôi làng, một ngôi nhà truyền thống thì những hiện vật, vật thể hay phi vật thể, có thể nhìn thấy hay không nhìn thấy được biểu hiện qua những phong tục, nghi lễ, nghi thức của nhóm cộng đồng... chính là hành trang là biểu hiện cho một nhóm cộng đồng.

“Vì vậy, khi nói đến bảo tồn nhà truyền thống không chỉ là bảo tồn tiện nghi hay không tiện nghi, mới hay cũ, mà sâu xa hơn chính là duy trì sự gắn kết của nhóm cộng đồng. Chỉ có kết nối mới tạo ra sức mạnh. Trong làng là nhà cộng đồng; trong nhà là không gian chung, chính là biểu hiện của sức mạnh của nhóm cộng đồng ấy.

Bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, truyền thống là sự cần thiết. Nếu không có cái cũ, thì sẽ không biết cái mới. Bên cạnh đó, cần kế thừa sự hiện đại như công nghệ, vật liệu để đảm bảo tuổi thọ và chất lượng công trình”, ông Nguyễn Thành An nhấn mạnh.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại
Trong ngôi làng thì ngôi nhà truyền thống có vai trò kết nối con người với con người. (Ảnh: Ngọc Hà)

Nhà và bản làng không đơn thuần là nơi để ở mà là nơi để sống, để trở về; giá trị cuối cùng của ngôi nhà là để lại cảm xúc cho người sử dụng; mà cảm xúc tốt nhất là cảm xúc tích cực như vui vẻ, bình an và hạnh phúc, an yên để giúp chất lượng sống tốt hơn, con người sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.

Kiến trúc xanh, công trình xanh, xét ở góc độ sâu hơn là bài toán cân bằng giữa con người và thiên nhiên, con người sống hòa hợp với thiên nhiên, không phát thải và không làm tổn hại môi trường, sinh vật sống xung quanh. Sâu hơn nữa, đó chính là kiến trúc hạnh phúc, công trình xanh là công trình hạnh phúc; mà ở đó thiên nhiên được tôn trọng, giữ gìn; con người hạnh phúc vì đảm bảo được cuộc sống bình an, có sức khỏe thể chất, trí tuệ và tinh thần tốt; các loài vật, thực vật và hệ sinh thái xung quanh được đảm bảo, không bị tác động nhiều.

Bảo tồn, phát triển công trình xanh chưa ghi danh ra sao?

Theo KTS Lê Hoài, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc và Nội thất OKKO, muốn đồng bào giữ văn hoá truyền thống thông qua ngôi nhà của họ thì phải tăng giá trị ngôi nhà lên. Ngoài giá trị để ở, ngôi nhà cần được khai thác du lịch, văn hoá để đem lại nguồn thu cho người dân.

Câu chuyện bảo tồn kiến trúc truyền thống, kiến trúc bản địa có yếu tố xanh, bền vững, những công trình xanh chưa xếp hạng ấy không phải là câu chuyện của riêng người dân, mà cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền các cấp, các Hiệp hội, ngành nghề có liên quan. Bảo tồn và phát triển các giá trị phải mang tính tổng thể, đó là bảo tồn văn hóa, bảo tồn kiến trúc, công trình, phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại
Bảo tồn công trình gắn với khai thác, phát triển du lịch là giải pháp hiệu quả. (Ảnh: Vũ Huyền)

Vậy để bảo tồn có tính tổng thể, theo đánh giá của KTS Bùi Quang Tiến thì những công trình này, cần khảo sát, đánh giá và có lộ trình, kế hoạch theo ba vành đai. Ở vành đai 1, với loại nhà điển hình, cần lưu giữ nguyên bản; có thể biến thành bảo tàng, galy nghệ thuật, số lượng khoảng 10%.

Ở vành đai 2, những nhà kém điển hình hơn, ngoài lưu giữ phần chính, quan trọng; cần bổ sung các vật liệu ngoại lai để làm ngôi nhà thêm chắc chắn, bổ sung thêm công năng. Giữ lại kiến trúc truyền thống, vật liệu địa phương; đồng thời, bổ sung vật liệu ngoại lai, không làm hỏng tổng thể chung. Giữ kiến trúc truyền thống, giữ hồn cốt văn hóa (60-70%) và mix thêm vật liệu 40-30%.

Với vành đai 3, cái mới chiếm 60-70%, cái cũ chiếm 40-30%; phát triển hình thái kiến trúc cũ với trạng thái không gian sinh hoạt rồi tạo hình, chi tiết kiến trúc bản địa để mix thành nhà mới vẫn đáp ứng yêu cầu công năng sử dụng, chống lụt bão, giữ hồn cốt. Như vậy có 3 vành đai, vàng đai 1 là giữ nguyên bản; vành đai 2 giữ 60 - 70% cái cũ; vành đai 3 giữ 30% cái cũ, cái mới chiếm 70%.

Ở góc độ khác, KTS Lê Hoài lập luận, muốn nhà truyền thống thích nghi trong bối cảnh hiện đại thì có 2 hướng: Thích nghi và cắt bỏ. Phát triển đến thời kỳ nào đó không phù hợp thì cắt bỏ. Tuy nhiên, phương án thay thế phải ưu tiên và tính toán nhiều hơn cắt bỏ. Hướng tối ưu để bảo tồn chính là lựa ra một phong cách thiết kế công trình của đồng bào rồi tối ưu hoá công năng.

Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại
Văn hóa bản địa cần được khai thác để hấp dẫn du khách. (Ảnh: Vũ Huyền)

Giữ những ngôi nhà, xóm làng bình yên ấy, kiến trúc chỉ là một khía cạnh, theo quan điểm của KTS Lê Hoài, điều quan trọng là phải tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Vành đai 1 là chính quyền kiểm soát; vành đai 2 phải mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, phải có hợp tác xã làm du lịch cộng đồng, biến ngôi nhà thành homestay để họ vui vẻ giữ lại nhà cũ, kiếm được tiền từ ngôi nhà cũ thì họ không có nhu cầu xây nhà mới.

Bên cạnh đó, phải đào tạo người dân làm du lịch chuyên nghiệp; phát triển nghề truyền thống như: Trồng rừng, trồng thảo quả, cấy lúa, trồng hoa màu, dệt vải, nghề rèn đúc nông cụ, làm các đồ thủ công mỹ nghệ… để vừa cung cấp, phục vụ cuộc sống, giao thương buôn bán, vừa giúp du khách được trải nghiệm trở thành người địa phương, sống như người địa phương, ăn như người địa phương và làm việc như người địa phương. Dạy người dân nấu các món truyền thống, có cải biên phù hợp khẩu vị của du khách. Đặc biệt, cần phục hồi văn hóa tín ngưỡng, công trình tâm linh gắn kết người dân và hấp dẫn du khách.

Xét ở góc độ này, những công trình xanh chưa ghi danh, chưa xếp hạng này xứng đáng là những công trình xanh tự thân. Nói như KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Giảng viên Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, cái xanh đó phải tạo ra một ngạc nhiên, bền vững với thời gian, tiết kiệm năng lượng... Hơn hết là con người sống trong đó luôn hứng khởi, hạnh phúc, dù không phải bỏ ra quá nhiều tiền…

Bài 3: Để công trình xanh lấp lánh giữa đại ngàn Tây Bắc

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài và bản quyền bài viết.

Vũ Huyền – Ngọc Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load

$(document).ready(function () { var nextURL; function updateNextURL(doc) { nextURL = $(doc).find('.__MB_NEXT_URL:last').val(); } updateNextURL(document); $('.__MB_LIST_ITEM').infiniteScroll({ path: function () { return nextURL; }, append: '.item', //responseType: 'document', status: '.scroller-status', hideNav: '.__MB_NEXT_URL', scrollThreshold: 100, loadOnScroll: true, scrollThreshold: true, history: false, historyTitle: false, prefill: false }); $('.__MB_LIST_ITEM').on('load.infiniteScroll', function (event, response) { updateNextURL(response); }); });