Bài 3 Phú Quốc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Xây dựng – Tại Quyết định 1289 QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 2030 tầm nhìn đến năm 2050 Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc g

Bài 3: Phú Quốc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

11:23 | 01/07/2024

(Xây dựng) – Tại Quyết định 1289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Trong đó, Phú Quốc là đô thị biển đảo độc đáo, đặc sắc, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển - đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế; Phát huy tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối, thúc đẩy giao lưu, giao thương quốc tế với các nước trong khu vực. Tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền với hải đảo. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Bài 3: Phú Quốc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Còn đó những bất cập

Trong những năm qua, Phú Quốc tăng tốc đầu tư phát triển, diện mạo của thành phố biển đảo đã khởi sắc, với nhiều đổi thay. Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh so với việc chưa đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.

Đầu năm 2024, tại Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Quy hoạch chung đảo Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu năm 2005 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg năm 2010. Sau hơn 13 năm thực hiện, Quy hoạch đã phát huy tác dụng là cơ sở để đầu tư xây dựng, nâng cao trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáng kể cho đô thị Phú Quốc.

Đến nay, đảo Phú Quốc là đã đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Tây Nam bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long với hạ tầng đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn và có tính biểu tượng cao.

Kinh tế - xã hội Phú Quốc có bước tăng trưởng vượt bậc. Hàng năm, tổng thu ngân sách của Phú Quốc đạt hơn 7.000 tỷ đồng (tăng 260 lần so với năm 2004), chiếm gần 50% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt hơn 3.100 USD tăng hơn 20 lần so với 10 năm trước đây.

Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt thành lập thành phố Phú Quốc - đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là kết quả nổi bật và cũng là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang trong mục tiêu phát triển Phú Quốc tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.

Bài 3: Phú Quốc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Khu nghỉ dưỡng biệt thự hàng đầu châu Á Premier Village Phú Quốc Resort.

Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, Quy hoạch và phát triển đô thị thành phố Phú Quốc cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần điều chỉnh như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định và chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao. Vai trò trung tâm, động lực và sức lan tỏa của thành phố Phú Quốc đối với sự phát triển của tỉnh và Vùng còn chưa như mong muốn; chất lượng hạ tầng chưa đồng đều, đã xuất hiện các hiện tượng quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị như ngập úng cục bộ, cấp điện, cấp nước, khả năng xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải… còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, thành phố Phú Quốc là đô thị loại II, đồng thời là khu kinh tế có vị thế đặc biệt tầm cỡ quốc gia và quốc tế được định hướng phát triển thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040 đang đứng trước bối cảnh phát triển có nhiều thay đổi, dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá, xác định quan điểm phát triển và định hướng quy hoạch chung của toàn thành phố cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp hơn với những yêu cầu và bối cảnh mới, với những tầm nhìn và chiến lược phát triển phù hợp, phát huy được một cách toàn diện các tiềm năng, lợi thế phát triển riêng có của Phú Quốc…”.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, với mục tiêu là phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Định hướng phát triển thành phố Phú Quốc đến năm 2040 đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng; có tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng quy định pháp luật; bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển.

Bài 3: Phú Quốc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Lối kiến trúc độc đáo của tháp đồng hồ Central Village Phú Quốc.

Theo đó, Phú Quốc là đô thị biển - đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Là khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt; trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển - đảo tổng hợp, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng của quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế. Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực…

Đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 400.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 255.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động... Đến năm 2040, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 680.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 430.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động... Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 9.950ha (gồm 5.590ha hiện trạng, 4.360ha xây dựng mới); trong đó: Đất dân dụng khoảng 3.032ha (chỉ tiêu khoảng 77 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 6.918ha. Đến năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 14.785ha, trong đó: đất dân dụng khoảng 6.042ha, (chỉ tiêu khoảng 89 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 8.743ha.

Thành phố Phú Quốc phát triển theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị tập trung bao gồm: Trung tâm đô thị - du lịch chính tại khu vực phường hiện hữu (Dương Đông, An Thới) và các trung tâm mới tại Cửa Cạn, Bãi Trường. Chuỗi đô thị - du lịch với mật độ thấp theo trục chính Bắc - Nam An Thới. Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng - Bãi Thơm - Rạch Tràm. Rạch Vẹm - Gành Dầu - Cửa Cạn - Dương Đông - Bãi Trường - Bãi Khem kết nối cảng biển An Thới, Bãi Đất Đỏ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Khung thiên nhiên gồm vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên đô thị, công viên chuyên đề và không gian mở được bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, tạo lập không gian cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cho người dân và du khách đến trải nghiệm…

Theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo thẩm định đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 bảo đảm đúng quy định pháp luật. Rà soát, đóng dấu thẩm định hồ sơ quy hoạch chung (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý theo Đồ án quy hoạch) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu trữ, lưu giữ hồ sơ quy hoạch chung được duyệt theo quy định pháp luật. Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: “Sau quá trình nghiên cứu và thực hiện các trình tự, thủ tục lập, thẩm định quy hoạch một cách công phu, khoa học và chặt chẽ, ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Có thể nói, đây là một đồ án quy hoạch có chất lượng cao, đầu tư nhiều công sức, trí tuệ nhằm đạt được nhiều mục tiêu:

Phát triển thành phố Phú Quốc trở thành đô thị biển - đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; Xây dựng đô thị Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển - đảo tổng hợp, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng tầm quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; Nâng cao vị thế và vai trò của đô thị Phú Quốc là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng của quốc gia.

Đồ án quy hoạch lần này cũng xác định Phú Quốc phát triển gắn với 04 Chiến lược: Bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên và giá trị nhân văn đặc thù biển đảo Phú Quốc; Phát huy giá trị biển đảo, xây dựng Phú Quốc trở thành cực tăng trưởng kinh tế biển Vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển đô thị biển đảo đặc sắc và phát triển Khu du lịch quốc gia Phú Quốc.

“Để việc tổ chức thực hiện và triển khai Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, tính chất và tuân thủ định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan theo đồ án Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhân buổi lễ công bố quy hoạch này, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang lãnh đạo, chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Phú Quốc, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc; các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm triển khai các công việc trọng tâm sau:

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; tổ chức rà soát lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; rà soát các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật khung theo đúng quy định, tuân thủ Quy hoạch được duyệt và tuân thủ Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai, đầu tư, lâm nghiệp và các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành khác có liên quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư phát triển và đáp ứng yêu cầu quản lý tại thành phố Phú Quốc.

Sớm xây dựng và ban hành Chương trình Phát triển đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc để quản lý, tạo dựng các công trình kiến trúc có tính đặc trưng, tính biểu tượng đặc sắc và là cơ sở để tập trung đầu tư hướng đến thành phố Phú Quốc đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Kế thừa thành tựu, kết quả, kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch 633 trước đây. Quá trình tổ chức quy hoạch mới được công bố ngày hôm nay cần phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng, hệ thống sông suối tự nhiên, các không gian ven biển, các không gian sinh hoạt công cộng, các giá trị thiên nhiên, nhân văn, các bản sắc riêng có của thành phố Phú quốc, trong đó quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý và bảo vệ biển, khu vực ven biển, vùng bờ, bảo tồn biển; quản lý khai thác, sử dụng các khu vực di tích, di sản... trên địa bàn thành phố Phú Quốc theo đúng quy định hiện hành.

Quản lý chặt chẽ việc đầu tư, phát triển phù hợp với định hướng phát triển, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch, yêu cầu về không gian, kiến trúc cảnh quan theo đồ án quy hoạch; bảo đảm việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Phú Quốc. Đặc biệt quan tâm quản lý chặt trật tự xây dựng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. Triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc theo đúng quy định pháp luật; đặc biệt chú trọng các vấn đề về quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường đô thị. Chủ động xây dựng các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là khu vực ven biển đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Để thực hiện và phát huy hiệu quả Quy hoạch chung Phú Quốc, tỉnh cần tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù huy động và sử dụng nguồn lực tài chính phù hợp nhất để đầu tư phát triển thành phố Phú Quốc bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc phòng.

Bài 3: Phú Quốc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Phú Quốc hấp dẫn du khách nước ngoài.

Đặc biệt, quan trọng nhất là triển khai thực hiện Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc để Phú Quốc phát triển bền vững, nhằm mục tiêu để đời sống, thu nhập của nhân dân Phú Quốc phải tốt hơn trước đây; người dân Phú Quốc phải được thụ hưởng trong quá trình phát triển Phú Quốc; tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc phải quan tâm đảm bảo hài hòa chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước – người dân và doanh nghiệp.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao và tình cảm với Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc trong quá trình thực hiện Quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040 để hiện thực hóa đồ án Quy hoạch và cùng hướng tới mục tiêu phát triển Phú Quốc bền vững, đóng góp tích cực cho phát triển của tỉnh, của Vùng và cả nước” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040.

Hiện nay, Phú Quốc đã mở các đường bay quốc tế: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), charter từ Uzbekistan, Czech và các tuyến nội địa tử Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Mục tiêu năm 2024, Phú Quốc sẽ đón đón 6.700.000 lượt khách nội địa và quốc tế.

Với những nỗ lực đầu tư các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, thành phố Phú Quốc đã và đang trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế như định hướng.

Triển vọng tương lai, tháo gỡ những bất cập và cùng thực hiện đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững, xứng tầm trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái biển - đảo đẳng cấp quốc tế như mục tiêu Quy hoạch.

Huỳnh Biển

Theo