Bài toán phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị theo hướng hiện đại trong Quy hoạch tỉnh Cao Bằng
(Xây dựng) - Ngày 24/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Cao Bằng. Quy hoạch đã xác định rõ mục tiêu, phương án phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại nhằm tạo ra bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án trụ sở làm việc HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. |
Cải thiện kết cấu hạ tầng
Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030 xác định mục tiêu đến năm 2030, Cao Bằng sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững…
Về không gian và kết cấu hạ tầng, quy hoạch đặt mục tiêu đến 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 44%; xây dựng thành phố Cao Bằng trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, từng bước hoàn thiện tiêu chí của đô thị loại II. Có 75 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; có 3 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 100%. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu phát triển.
Quy hoạch cũng xác định, tỉnh có cơ chế, chính sách đột phá để tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút được các nguồn lực, các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tạo bước đột phá về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của vùng, cả nước và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch, tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của Cao Bằng với các tỉnh trong vùng và cả nước.
Tỉnh xác định tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại, sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các tuyến cao tốc và quốc lộ đối ngoại kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm đô thị, kinh tế lớn của vùng và cả nước, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông quốc gia (sân bay, cảng biển). Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.
Chú trọng phát triển mạng lưới giao thông
Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Xuân Hòa - thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. |
Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030 cũng chỉ rõ phương án phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao thông đường bộ được hoạch định gồm 2 đường bộ cao tốc, 7 tuyến quốc lộ, 45 tuyến đường tỉnh và các tuyến đường tuần tra biên giới. Đối với các tuyến đường tỉnh, liên huyện, tỉnh sẽ xây mới tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo quy mô đường cấp III đồng bằng, đoạn khó khăn thiết kế theo quy mô đường cấp III miền núi. Cải tạo, duy trì 3 tuyến đường tỉnh đạt cấp IV. Nâng cấp hoàn chỉnh 13 tuyến đường tỉnh đạt cấp IV, 6 tuyến đường tỉnh đạt cấp V. Đầu tư các tuyến đường tỉnh còn lại đạt cấp VI. Cải tạo, nâng cấp một số đường huyện thành đường tỉnh và đạt tối thiểu cấp V. Đầu tư xây dựng mới một số đoạn tuyến đường tuần tra biên giới; cải tạo, nâng cấp tuyến đường tuần tra biên giới hiện có.
Công tác giải phóng mặt bằng đang được các cơ quan đốc thúc triển khai. |
Đối với một số đoạn quốc lộ đi qua khu vực đô thị đông dân cư, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch và xây dựng một số đoạn tránh đô thị hoặc mở rộng số làn xe phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Đặc biệt, Cao Bằng xác định hình thành cảng hàng không Cao Bằng sau năm 2030. Trường hợp huy động được nguồn lực, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư trước năm 2030. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sẽ đầu tư xây dựng cảng cạn tại huyện Trùng Khánh với quy mô 50.000 Teu/năm. Xây dựng tuyến đường thủy nội địa trên sông Bằng từ khu vực cửa khẩu Tà Lùng đến thành phố Cao Bằng đạt quy mô cấp V. Khảo sát một số tuyến, thu hút đầu tư cảng, bến tại vùng lòng hồ thủy điện trên sông Gâm, sông Bằng khi đủ điều kiện, phục vụ nhu cầu dân sinh và vận chuyển khách du lịch.
Cùng với phương án phát triển mạng lưới giao thông, Quy hoạch tỉnh cũng xác định rõ phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “một vành đai, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội và bốn trung tâm, động lực phát triển”. Theo đó, 4 trung tâm động lực phát triển của tỉnh bao gồm: Thành phố Cao Bằng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, thương mại dịch vụ, du lịch của tỉnh; có vai trò là đô thị động lực quan trọng của vùng I. Tập trung xây dựng, tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai; hạ tầng đô thị, hạ tầng cấp thoát nước, hạ tầng điện, hạ tầng số; phát triển hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao theo tiêu chí đô thị loại II.
Thị trấn Trà Lĩnh nằm trên hành lang cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Tỉnh sẽ tập trung phát triển thị trấn Trà Lĩnh, đẩy mạnh kết nối giao thương hàng hóa, đưa cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa ngõ quan trọng trên hành lang kết nối, giao lưu thương mại giữa ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực lân cận.
Đô thị Phục Hòa (huyện Quảng Hòa) là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của vùng II, cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm giao dịch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, trung tâm sản xuất, cụm logistics của toàn Tỉnh. Sau năm 2030, trên cơ sở đô thị Phục Hòa, từng bước xây dựng và phát triển huyện Quảng Hòa trở thành thị xã Quảng Hòa. Ngoài ra, thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc) được xác định là trung tâm huyện Bảo Lạc, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Bảo Lạc và từng bước xây dựng thành đô thị trung tâm của vùng III.
Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh Cao Bằng xác định đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 44% vào năm 2030 và toàn tỉnh có 17 đô thị, trong đó thành phố Cao Bằng đạt đô thị loại II; 4 đô thị loại IV (Nước Hai, Trùng Khánh, Phục Hòa, Quảng Uyên) và 12 đô thị loại V. Để có nguồn lực đầu tư, tỉnh xác định sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA, các nhà tài trợ và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội.
Đinh Vũ – Nguyễn Sơn
Theo