Bất động sản công nghiệp 2023 Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Xây dựng Trong năm 2023 bất động sản BĐS công nghiệp tiếp tục được dự báo có bước tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh thị trường BĐS Việt Nam khi năm 2022 BĐS công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều

Bất động sản công nghiệp 2023: Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh

17:41 | 15/02/2023

(Xây dựng) - Trong năm 2023, bất động sản (BĐS) công nghiệp tiếp tục được dự báo có bước tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh thị trường BĐS Việt Nam khi năm 2022, BĐS công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi giá thuê liên tục tăng cùng với tỷ lệ lấp đầy cao, giúp lợi suất đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) đứng ở tốp dẫn đầu trong các phân khúc BĐS hiện tại.

Bất động sản công nghiệp 2023: Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Mặc dù năm 2022 đã chứng kiến nhiều sự thăng trầm của thị trường BĐS ở nhiều phân khúc khác nhau, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn chứng tỏ là điểm sáng của thị trường… (Ảnh minh họa).

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, BĐS công nghiệp được coi là điểm sáng của thị trường BĐS năm 2022 với tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên cả nước có xu hướng tăng, đạt khoảng trên 80%, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN tại các tỉnh phía Nam đạt cao nhất cả nước, đạt khoảng 85%.

Một số KCN tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước, với 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%.

Bên cạnh đó, giá thuê tăng khoảng 10% so với kỳ trước, trung bình 100 – 120 USD/m2/chu kỳ thuê và có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam do nguồn cung hạn chế…

Báo cáo của Cushman&Wakefield, quý III/2022 cũng ghi nhận, giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội đạt 140 USD/m2/chu kỳ thuê, cao nhất tại miền Bắc. Tương tự, giá tại Thành phố Hồ Chí Minh vượt ngưỡng 260 USD/m2/chu kỳ thuê, đứng đầu khu vực miền Nam. Trong khi đó, các tỉnh lân cận vẫn có dự án trống ở mức giá mềm hơn, hứa hẹn sự lựa chọn thay thế của nhiều nhà đầu tư.

Trong dài hạn, Cushman&Wakefield dự báo nguồn cung BĐS công nghiệp sẽ dồi dào hơn. Cụ thể, thị trường sẽ đón nhận 20.600ha đất công nghiệp tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và 17.000ha đất công nghiệp tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc cho giai đoạn từ năm 2023 trở đi.

Tổng Giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam, bà Trang Bùi đánh giá: Mặc dù năm 2022 đã chứng kiến nhiều sự thăng trầm của thị trường BĐS ở nhiều phân khúc khác nhau, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn chứng tỏ là điểm sáng của thị trường.

Số liệu của Cushman&Wakefield 2022 ước tính thị trường cả nước đã đón nhận nguồn cung mới tương đương 2,2 triệu m2 nhà kho và hơn 1 triệu m2 nhà xưởng.

“Chúng tôi đánh giá trong khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero covid, thì việc mở cửa biên giới từ sớm đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến và làm việc tại Việt Nam. Chính điều này cũng thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam nhờ nền tảng kinh tế tốt và vị trí địa lý thuận lợi. Giai đoạn sắp tới sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp...”, bà Trang Bùi cho biết.

Đại diện Cushman&Wakefield cho biết thêm, giá thuê đất công nghiệp năm 2022 vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và miền Bắc đã tiệm cận với mức giá tại các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan.

Tuy nhiên, ngoài giá thuê đất, nhà đầu tư nước ngoài còn cân nhắc nhiều yếu tố khác trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ ra biển của Lào, vùng Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, Tây Nam Trung Quốc, nằm trên ngã tư đường hàng hải, hàng không quốc tế tạo điều kiện giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Thương mại có nhiều dư địa phát triển cùng với lực lượng lao động dồi dào cũng là yếu tố giúp Việt Nam vượt trội hơn khi so với các nước láng giềng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam những năm gần đây đã được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất lớn mở rộng sản xuất và xây thêm nhà máy tại Việt Nam như: Samsung cam kết nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 20 tỷ USD; Foxconn đã đầu tư với tổng vốn 1,5 tỷ USD và năm 2022 đã đầu tư thêm khoảng 300 triệu USD; Intel cũng đầu tư thêm khoảng 475 triệu USD…, là những tín hiệu tích cực cho BĐS công nghiệp Việt Nam giai đoạn tới.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và phát triển lĩnh vực BĐS vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ liên quan đến bố trí quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; cắt giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà; chú trọng quy hoạch chi tiết, phân bổ các chức năng hậu cần, thương mại, dịch vụ, trung tâm dữ liệu; cải thiện quy trình thực hiện thủ tục thúc đẩy đầu tư, từ đó giúp chủ đầu tư tiếp cận và phát triển thêm dự án mới dễ dàng hơn...

Linh Đan

Theo