Bộ TN MT khẳng định đã thể chế hóa đúng đủ về chính sách đất đai

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh Dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội đã có quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ TN-MT khẳng định đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đất đai

10:17 | 06/11/2023

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh Dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội đã có quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ TN-MT khẳng định đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đất đai
Bảo đảm quỹ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Thảo luận ở hội trường Quốc hội vào chiều 3/11 vừa qua, một số đại biểu cho biết vẫn còn băn khoăn về nội dung liên quan đến các chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xoay quanh nội dung trên, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh dự thảo luật đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào

- Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu “Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.” Xin bà cho biết Dự thảo Luật Đất đai đã thể chế hóa chính sách này thế nào?

Vụ trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, tại điều 16 của dự thảo luật lần này tiếp tục khẳng định Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Theo đó, dự thảo đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo các hình thức: Giao đất ở trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật...

Đối với người đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất thì được hỗ trợ như sau: Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức; trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất kinh doanh.

Bộ TN-MT khẳng định đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đất đai
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Dự thảo luật cũng quy định giao trách nhiệm cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất; trình hội đồng nhân dân ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế.

Như vậy, dự thảo luật đã xác định đối tượng hỗ trợ là đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về Phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” (Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội).

- Được biết, Luật Đất đai hiện hành cũng đã có quy định về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện vẫn rất khó khăn do các địa phương không có quỹ đất để giao. Vậy Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định như thế nào để khắc phục hạn chế này?

Vụ trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ: Cơ chế tạo quỹ đất là vấn đề quan trọng để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì thế, dự thảo luật đã có các quy định cụ thể như: Quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định chỉ tiêu các loại đất đảm bảo chính sách đất ở, đất sản xuất; trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất; nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất trong đó có ưu tiên bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự thảo luật cũng quy định ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất; thu hồi diện tích đất mà các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, bị lấn, chiếm để giao, cho thuê đối với tổ chức, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất ở địa phương.

Được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

- Vậy đến nay, trong công tác thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước có những ưu đãi cụ thể như thế nào?

Vụ trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ: Vấn đề ưu đãi trong hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được quy định tại điều 16 và điều 158 của dự thảo luật.

Bộ TN-MT khẳng định đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đất đai
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đó, kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp sổ đỏ và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật cũng quy định việc sử dụng đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

- Bên cạnh vấn đề ưu đãi trong hỗ trợ đất đai, tại Nghị quyết số 18 cũng đã đặt ra yêu cầu “có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.” Vậy đến nay, dự thảo luật đã thể chế yêu cầu này như thế nào?

Vụ trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ: Cơ chế bảo vệ quyền sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại điều 11 về hành vi bị nghiêm cấm đối với trường hợp vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết các hành vi vi phạm cụ thể và biện pháp xử lý.

Điều 48 của dự thảo luật cũng đã quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện để bảo vệ quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê theo chính sách hỗ trợ đất đai không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất.

Việc để thừa kế, tặng cho chỉ được thực hiện đối với người thuộc hàng thừa kế là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các “vùng lõi nghèo” không còn đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Với các biện pháp mạnh mẽ nêu trên, dự thảo luật đã thể hiện quan điểm bảo vệ chặt chẽ quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chuyển nhượng đất đai nhằm hạn chế tình trạng mất đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Hùng Võ (Vietnam+)