Bộ trưởng Tài chính: Cần quy định về huy động vốn khi cấp phép kinh doanh bất động sản
Nghiên cứu xây dựng quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản (BĐS), gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép, các dự án đầu tư đảm bảo doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.
Đây là một trong 6 nhóm giải pháp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu lên để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững sáng 17/2.
Ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp nếu có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh VGP/Nhật Bắc) |
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán khẩn trương xây dựng và đưa hệ thống giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ vào hoạt động nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
“Bên cạnh các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu DN, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách để củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định, hỗ trợ thị trường nói chung bao gồm cả thị trường BĐS” – Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng nêu lên thực trạng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà.
Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như rủi ro về dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Tài chính kiến nghị việc rà soát, sửa đổi các vướng mắc chính sách tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, tạo điều kiện cho phát triển thị trường BĐS ổn định, minh bạch.
Trước mắt, theo Bộ trưởng Tài chính, cần rà soát những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý để các doanh nghiệp BĐS có thể triển khai được ngay các dự án còn dở dang, các dự án vì vướng pháp lý mà chưa triển khai được, qua đó sớm đưa các dự án vào hoạt động, bán được sản phẩm, giải quyết được các khó khăn về tài chính, nguồn vốn;
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS, bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép hoạt động kinh doanh BĐS, cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS đảm bảo doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.
“Doanh nghiệp nên đưa mặt bằng giá BĐS về mức phù hợp"
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, đối với nhu cầu vốn còn lại, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu – đây là nguồn huy động vốn thích hợp cho BĐS.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều tồn tại dẫn đến rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp tục huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS qua kênh này, tác động lớn tới khả năng phát triển và hoàn thiện các dự án BĐS.
Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng (Ảnh VGP/Nhật Bắc) |
Đại diện VCB kiến nghị Chính phủ có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường BĐS, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.
Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án, khơi thông các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính và khuyến khích phát triển sản phẩm tiếp cận người mua thực có mức giá bán hợp lý.
“Doanh nghiệp BĐS nên tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn”, ông Tùng nói.
Theo Hồng Khanh/Vietnamnet.vn