Bộ Xây dựng: Đề nghị thành phố Hà Nội xử lý tồn tại dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp
(Xây dựng) – Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) là dự án nhà ở dành cho sinh viên nhưng sau khi hoàn thiện, khu nhà ở này không sử dụng hết công năng, thậm chí nhiều diện tích bị bỏ hoang, nằm phơi mưa nắng. Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xử lý những tồn tại của dự án nhà ở sinh viên thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. |
Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (50ha) nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, được kỳ vọng là một khu đô thị mới hiện đại đồng bộ về kiến trúc và hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô ở cửa ngõ phía Nam thành phố. Kết hợp giữa cải tạo khu hiện có với xây dựng phát triển mới, tạo điều kiện sống, môi trường ở để thu hút dân cư, phục vụ giãn dân, giảm mật độ dân số trong khu vực nội thành.
Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp gồm 6 tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5 và A6. Tổng mức đầu tư phê duyệt dự án này là 1.492,509 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2009 đến năm 2013, Chính phủ đã bố trí cho dự án này số tiền 1.113,2 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Trên thực tế đã giải ngân được 1.133,094 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương, gồm các chi phí trang thiết bị nội thất và dự phòng, đến nay đã thực hiện được khoảng 44,3 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa tại các hạng mục nhà A1, A5 và A6.
Các nhà A1, A5, A6 đã hoàn thiện đưa vào sử dụng (Nhà A1: 4.032 sinh viên, Nhà A5: 4.032 sinh viên, Nhà A6: 2.736 sinh viên). Các nhà A2, A3 hiện đã xây xong phần thô đang tạm dừng triển khai do đã hết nguồn vốn; nhà A4 không triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Theo đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Báo cáo số 144/BC-CP ngày 19/4/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi 03 hạng mục nêu trên (A2, A3, A4) tại dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về việc chuyển đổi 03 hạng mục nói trên tại Văn bản số 2970/TTKQH-KT ngày 17/7/2019 của Tổng Thư ký Quốc hội.
Văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng 03 hạng mục công trình thuộc dự án này thực chất là điều chỉnh dự án đầu tư; Luật Đầu tư công (khoản 2 Điều 46) quy định cấp có thẩm quyền quyết định dự án sẽ thực hiện việc điều chỉnh dự án.
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7019/VPCP-CN ngày 08/8/2019 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: UBND thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 2970/TTKQH-KT để điều chỉnh dự án và chuyển đổi mục đích sử dụng 03 hạng mục công trình (A2, A3, A4) thuộc dự án theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng và nhà ở.
Có thể thấy, biến động giá, tầm nhìn và quy hoạch hạn chế được cho là những nguyên nhân khiến dự án không thể triển khai và sự lãng phí về đất đai, ngân sách Nhà nước sau hơn 10 năm qua là không hề nhỏ.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban ngành tại địa phương khẩn trương xử lý những tồn tại của dự án nhà ở sinh viên thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 7019/VPCP-CN ngày 08/8/2019.
Ánh Dương
Theo